Kế hoạch 246/KH-UBND năm 2023 triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 246/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2023
Ngày có hiệu lực 11/10/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hà Minh Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 246/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI LẤY Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO QUY HOẠCH THỦ ĐÔ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định pháp luật có liên quan; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch; Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội);

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch; các kế hoạch triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô của UBND thành phố Hà Nội.

- Việc ban hành Kế hoạch triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đảm bảo thống nhất chỉ đạo của UBND Thành phố và đẩy nhanh tiến độ, chất lượng lập quy hoạch, chuẩn bị tổ chức trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

2. Yêu cầu:

- Việc triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội yêu cầu có sự tham gia của cơ quan lập quy hoạch, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

- Cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) chủ trì, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện công tác tổ chức lấy ý kiến theo quy định.

II. QUY TRÌNH LẤY Ý KIẾN

1. Về hồ sơ lấy ý kiến: Yêu cầu cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô chuẩn bị thành phần hồ sơ Nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô, bao gồm:

(1). Báo cáo Quy hoạch Thủ đô;

(2). Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô;

(3). Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch Thủ đô (báo cáo ĐMC);

(4). Hệ thống sơ đồ, bản đồ thể hiện nội dung quy hoạch theo quy định.

2. Đối tượng lấy ý kiến: Đối tượng lấy ý kiến quy hoạch Thủ đô gồm các Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Hình thức đăng tải thông tin lấy ý kiến: Trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có trách nhiệm đăng tải dự thảo Quy hoạch kèm theo các hồ sơ trên Website theo quy định).

4. Quy trình thực hiện:

(1). Cơ quan lập Quy hoạch dự thảo văn bản xin ý kiến theo hướng dẫn tại Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều thi hành của Luật Quy hoạch, tham mưu UBND Thành phố ban hành. Yêu cầu dự thảo văn bản theo tinh thần rõ nội dung, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, rõ trách nhiệm của các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện thị xã trong việc đôn đốc, phối hợp và giải trình, tiếp thu các ý kiến.

(2). Về việc xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ:

- Cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô có trách nhiệm gửi hồ sơ, theo dõi, đôn đốc bộ phận trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ tham gia ý kiến bằng văn bản về nội dung phương án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đảm bảo sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành, giữa các địa phương trong vùng, sự phù hợp của quy hoạch Thủ đô được lập đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan. (Thời gian trả lời: 30 ngày, tính từ ngày nhận được văn bản kèm theo hồ sơ lấy ý kiến). Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý theo quy định.

(3). Về việc lấy ý kiến UBND các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội: Cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND Thành phố đôn đốc các đơn vị thuộc tỉnh, thành phố trong vùng tham gia ý kiến bằng văn bản (Thời gian trả lời: 30 ngày, tính từ ngày nhận được văn bản kèm theo hồ sơ lấy ý kiến).

(4). Về việc xin ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã:

- Cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô có trách nhiệm gửi hồ sơ, đôn đốc các đơn vị được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản về nội dung phương án phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong quy hoạch Thủ đô, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan.

- Các sở, ngành Thành phố chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, các đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu các nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của ngành, lĩnh vực, địa bàn theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền. Phối hợp với cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô, đôn đốc, liên hệ với các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ để lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô. (Thời gian trả lời: 30 ngày, tính từ ngày nhận được văn bản kèm theo hồ sơ lấy ý kiến).

(5). Về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan:

[...]