Kế hoạch 243/KH-UBND năm 2023 về Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 243/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2023
Ngày có hiệu lực 28/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 243/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 28 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KẾ HOẠCH QUAN TRẮC, CẢNH BÁO VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2023-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030”;

Căn cứ Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 1151/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 889/TTr-SNN ngày 13/6/2023.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với các nội dung sau.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường để kịp thời đưa ra những cảnh báo về những diễn biến bất thường, nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường nước nuôi trồng thủy sản (NTTS), nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho người nuôi; đồng thời khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm cho đối tượng thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường, giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, đột xuất theo hướng dẫn quy định nhằm phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản, thông báo kịp thời đến cơ quan quản lý thủy sản, thú y; cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục kịp thời, hiệu quả.

- Đưa ra giải pháp hướng dẫn, khống chế, kiểm soát có hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, một số dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người nuôi thủy sản.

- Địa điểm quan trắc, tần suất quan trắc môi trường, bệnh thuỷ sản phải mang tính chất đại diện cho vùng và đối tượng thuỷ sản thả nuôi nhằm đáp ứng yêu cầu quan trắc, giám sát, cảnh báo.

- Số liệu, dữ liệu thu thập được làm cơ sở để cơ quan quản lý đưa ra những biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời (thông qua các báo cáo, thông báo, bản tin cảnh báo định kỳ hoặc đột xuất về môi trường, diễn biến bệnh) đến các hộ NTTS trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Đối tượng quan trắc

Quan trắc tại các vị trí: Nguồn nước khu nuôi cá lồng trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình; Ao nuôi đại diện cho vùng nuôi tập trung có hoạt động nuôi trồng thủy sản.

2. Địa điểm quan trắc

2.1. Đối với vùng NTTS tập trung trong ao đất

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất thuộc các huyện Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du và thị xã Quế Võ.

2.2. Đối với vùng nuôi cá lồng trên sông

Vùng nuôi cá lồng trên sông Thái Bình thuộc huyện Lương Tài; vùng nuôi cá lồng trên sông Đuống thuộc các huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành; vùng nuôi cá lồng trên sông Cầu thuộc huyện Yên Phong.

3. Thông số, tần suất, số điểm quan trắc

3.1. Thông số quan trắc

[...]