Kế hoạch 2276/KH-LĐTBXH về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 2276/KH-LĐTBXH |
Ngày ban hành | 10/06/2019 |
Ngày có hiệu lực | 10/06/2019 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Đào Ngọc Dung |
Lĩnh vực | Bảo hiểm |
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2276/KH-LĐTBXH |
Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2019 |
PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN NĂM 2019
Căn cứ Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 28-NQ/TW);
Căn cứ Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 125/NQ-CP);
Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 102/NQ-CP),
Trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2019 như sau:
I. MỤC TIÊU
Tốc độ gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm sau so với năm trước ít nhất bằng 50%. Phấn đấu đến hết năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đạt trên 450.000 người (tăng hơn 200.000 người so với năm 2018).
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các địa phương) với cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương) trong việc chia sẻ dữ liệu về quản lý lao động, thống kê, rà soát số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể, người lao động trong các làng nghề, lao động tự do,... những đối tượng hiện đang có nguồn thu nhập ổn định mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.
2. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, đa dạng các hình thức, mở rộng về phạm vi đối tượng và phù hợp với tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng mIền; trước mắt, tập trung vào các đối tượng có điều kiện và khả năng tham gia, các đối tượng thuộc diện chính sách ưu tiên hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước.
3. Tập huấn, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống đại lý thu BHXH; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, quản lý BHXH.
4. Tổ chức đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ một phần tiền đóng của Nhà nước từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đối với người tham gia BHXH tự nguyện để từ đó kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn linh hoạt đối với người tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời, tiếp tục khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
5. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện quy trình, thủ tục tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện để tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận tham gia và thụ hưởng các chế độ.
6. Thực hiện việc đánh giá định kỳ hằng quý, sơ kết 6 tháng và tổng kết cả năm trong quá trình triển khai phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp thực hiện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Giao Vụ Bảo hiểm xã hội là đầu mối trong triển khai các hoạt động, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ theo kế hoạch này. Cụ thể:
- Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cụ thể hóa chi tiết các nội dung hoạt động để triển khai kế hoạch, trong đó, xác định rõ các nội dung công việc và chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo từng tháng, quý, 6 tháng và cả năm.
- Ban hành văn bản đôn đốc, chỉ đạo các địa phương trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện,
- Xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền về BHXH tự nguyện.
- Tổ chức đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ một phần tiền đóng của Nhà nước từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
- Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn linh hoạt đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
- Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện; tổ chức tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo định kỳ hàng quý. Trong tháng 06 năm 2019 sẽ tiến hành đánh giá sơ kết 06 tháng và trong tháng 12 năm 2019 sẽ tiến hành đánh giá tổng kết kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH tự nguyện; tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên và cán bộ làm công tác thu trong hệ thống đại lý thu BHXH.
- Tổ chức Hội nghị về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan để theo dõi, quản lý tốt đối tượng trên địa bàn địa phương.