Kế hoạch 2257/KH-UBND năm 2021 chuyển đổi cây trồng tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2257/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2021
Ngày có hiệu lực 23/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Đinh Văn Thiệu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2257/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 23 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu liên kết chuỗi giá trị phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

2. Yêu cầu

Việc thực hiện chuyển đổi cây trồng phải đúng theo quy định, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chuyển đổi cây trồng phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đối tượng chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng trước chuyển đổi.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Đến năm 2025, toàn tỉnh chuyển đổi cây trồng trên đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao là 5.809 ha. Cụ thể năm 2021 chuyển đổi 1.121 ha; năm 2022 chuyển đổi 1.035 ha; năm 2023 chuyển đổi 1.111 ha; năm 2024 chuyển đổi 1.198 ha; năm 2025 chuyển đổi 1.344ha (chưa kể diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa).

STT

Địa phương

Tổng cộng (ha)

Tiến độ thực hiện theo từng năm (ha)

2021

2022

2023

2024

2025

1

Huyện Vạn Ninh

319

88

62

58

53

58

2

Thị xã Ninh Hòa

2.521

335

414

518

597

657

3

Huyện Diên Khánh

466

104

94

94

89

85

4

Huyện Khánh Vĩnh

482

101

77

102

101

101

5

Huyện Cam Lâm

1.028

292

186

143

158

249

6

Thành phố Cam Ranh

153

33

30

29

31

30

7

Huyện Khánh Sơn

840

168

172

167

169

164

 

Tổng

5.809

1.121

1.035

1.111

1.198

1.344

(Chi tiết đính kèm phụ lục)

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp thông tin tuyên truyền

Tăng cường công tác truyền truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, các quy định, điều kiện, thủ tục, chính sách chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025 đến cán bộ, nhân dân, góp phần triển khai có hiệu quả Kế hoạch này.

2. Giải pháp về chính sách

- Đây là giải pháp hết sức quan trọng, ngoài việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chính sách theo hướng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; tiếp tục hoàn thiện và triển khai cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

- Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ, bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp để tăng thu nhập.

- Mở rộng mạng lưới hoạt động tín dụng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; đa dạng hóa các hình thức cho vay và cung ứng dịch vụ đối với dân cư ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tín dụng cho nông dân và doanh nghiệp để vốn tín dụng trở thành một trong các kênh đầu tư quan trọng cho phát triển nông nghiệp.

3. Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ

- Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao các giống mới. Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch để giảm chi phí sản xuất, thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế như: sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh; các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM); thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước,...

- Tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng loại cây trồng nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

- Khuyến khích và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với cơ chế thị trường. Phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

4. Giải pháp về quản lý, tổ chức sản xuất

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng cây giống và các loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất.

[...]