Kế hoạch 22/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 22/KH-UBND
Ngày ban hành 03/02/2020
Ngày có hiệu lực 03/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận 11
Người ký Trần Phi Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 11
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/KH-UBND

Quận 11, ngày 03 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG VI RÚT CORONA MỚI (nCoV) TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 11

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;

Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;

Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV);

Căn cứ Quyết định số 156/QĐ-BYT ngày 20/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona;

Căn cứ Quyết định số 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV);

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 30/01/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra tại thành phố;

Căn cứ Kế hoạch số 362/KH-UBND ngày 01/02/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV);

Căn cứ Công văn số 365/SYT-NVY ngày 22/01/2020 của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) tại TPHCM;

Ủy ban nhân dân Quận xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) trên địa bàn Quận 11 như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị vào việc phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV). Thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho người dân tự dự phòng cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona, xử lý kịp thời không để xảy ra dịch, trong trường hợp có xảy ra dịch thì hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Quận 11: Giám sát phát hiện sớm, cập nhật thường xuyên thông tin trường hợp viêm phổi cấp do vi rút Corona về Quận 11 từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp.

2.2. Tình huống 2: Xuất hiện trường hợp xác định xâm nhập vào Quận 11:

- Khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

- Huy động sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, nhất là vai trò của cá nhân và gia đình, trên cơ sở biết đủ, hiểu đúng, thực hành tốt các biện pháp dự phòng phổ biến và chủ động, các biện pháp xử trí khi bị nhiễm bệnh.

2.3. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trên địa bàn Quận 11: Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng ra cộng đồng.

II. ĐỊNH NGHĨA TRƯỜNG HỢP BỆNH VÀ NGƯỜI TIẾP XÚC GẦN:

1. Trường hợp bệnh nghi ngờ (trường hợp bệnh giám sát): Là trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, với các biểu hiện sốt, ho, có thể có khó thở và có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

- Có tiền sử đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh; hoặc:

- Tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

2. Trường hợp bệnh xác định: Là trường hợp bệnh nghi ngờ có xét nghiệm khẳng định nhiễm vi rút nCoV.

3. Người tiếp xúc gần:

- Nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị trường hợp bệnh xác định; nhân viên y tế, nhân viên phục vụ khác có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân xác định/phòng điều trị bệnh nhân xác định trong quá trình làm việc.

- Người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc với trường hợp bệnh xác định.

[...]