Kế hoạch 2146/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn do tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu | 2146/KH-UBND |
Ngày ban hành | 19/12/2018 |
Ngày có hiệu lực | 19/12/2018 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Bình |
Người ký | Nguyễn Xuân Quang |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2146/KH-UBND |
Quảng Bình, ngày 19 tháng 12 năm 2018 |
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn (Chỉ thị số 26/CT-TTg) và Công văn số 44/BCĐLNKT-VP ngày 05/10/2018 của Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung sau:
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg; Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 19/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về hội nhập quốc tế; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 08/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp thục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO.
2. Yêu cầu
- Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục giữa tỉnh và Trung ương; giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong tỉnh.
- Thường xuyên phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và hướng dẫn việc thực thi các cam kết hội nhập cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương; khuyến khích sự tham gia rộng rãi, tích cực và chủ động hơn nữa của khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong việc tìm hiểu, thực thi các cam kết quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh
- Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO; Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chú trọng lồng ghép việc thực thi các Chương trình hành động vào các kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
- Đôn đốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố xem xét,tham mưu ban hành các biện pháp cụ thể thực thi các quy định của pháp luật và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thể thức, đáp ứng yêu cầu quản lý; hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật và cam kết trong các FTA thế hệ mới và xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO...
- Nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch, chương trình của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiến tới thực thi giải quyết các thủ tục hành chính công ở cấp độ 3 và cấp độ 4 trên toàn tỉnh.
- Tăng cường phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và hướng dẫn việc thực thi các cam kết hội nhập cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương; khuyến khích sự tham gia rộng rãi, tích cực và chủ động hơn nữa của khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong việc tìm hiểu, thực thi các cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tạo tính liên kết chặt chẽ về hội nhập kinh tế quốc tế với các lĩnh vựcchính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo để các hoạt động hội nhập được triển khai nhịp nhàng trong một kế hoạch tổng thể dưới sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, trong đó khẳng định vai trò, vị trí trọng tâm của hội nhập kinh tế, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và hướng dẫn việc thực thi các cam kết hội nhập cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương; khuyến khích sự tham gia rộng rãi, tích cực và chủ động hơn nữa của khu vực tư nhân, các hiệp hội ngành, nghề, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong việc tìm hiểu, thực thi các cam kết quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động nắm bắt sự quan tâm, mức độ sẵn sàng và năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh để giúp định hướng, tranh thủ tận dụng các FTA; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của doanh nghiệp Quảng Bình; cung cấp các linh kiện, phụ kiện và tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các FTA; chủ động đề xuất các yêu cầu, khó khăn, vướng mắc cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
- Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại để phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp trong tỉnh nhằm ứng phó và hạn chế rủi ro, tổn thất; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để nắm tình hình, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng cường quảng bá sản phẩm, giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.
- Phối hợp với các sở, ngành thẩm định các chương trình về hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện cung cấp các dịch vụ, tìm kiếm thị trường, đối tác.
- Kịp thời cập nhật các thông tin về các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế đã được ký kết, trong đó: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, Việt Nam khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA) nhằm giúp doanh nghiệp trong tỉnh tra cứu thông tin về các biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh.
- Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong tỉnh, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng các kênh bán hàng, phân phối,… chú trọng các nước đối tác trong các FTA hiện hành và có tiềm năng đem lại tác động tích cực có hiệu quả cho các hoạt động thương mại trao đổi hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp Quảng Bình.
3. Sở Ngoại vụ
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, tích cực đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận kinh tế thương mại giữa tỉnh Quảng Bình với các địa phương của các nước đối tác FTA.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại nâng cao kiến thức và năng lực cho các cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh trong việc xây dựng cũng như thực thi các cam kết quốc tế.