Kế hoạch 210/KH-UBND năm 2018 về phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2021

Số hiệu 210/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2018
Ngày có hiệu lực 07/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 210/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 07 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2017 - 2021.

Thực hiện Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình hành động Phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021, UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2021.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo và người học về phòng, chống bạo lực học đường.

b) 100% các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; rèn kỹ năng sống cho người học.

c) 100% các cơ sở giáo dục công khai kế hoạch và các kênh tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường; thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời khi có người học bị tác động bởi bạo lực học đường.

d) 100% các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

đ) 100% các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn và cơ sở giáo dục có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống bạo lực học đường

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, trong gia đình và cộng đồng về mối nguy hiểm, hậu quả của bạo lực học đường, thông qua đó nêu cao trách nhiệm trong việc phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường.

- Tuyên truyền, phổ biến lý tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống, học tập, việc làm cho người học; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020.

- Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống bạo lực học đường trên các trang web, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng dân cư.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong các nhà trường, đơn vị giáo dục

- Tăng cường lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong nội dung, chương trình môn học:

+ Đối với giáo dục mầm non: Tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non, trường mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp, gia đình và cộng đồng.

+ Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn được quy chuẩn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

+ Đối với giáo dục thường xuyên: Chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và quê hương, đất nước.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vào kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục.

- Trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống bạo hành trẻ em cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học.

- Đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh; tăng cường các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm; tổ chức các sân chơi để các em được giao lưu trao đổi kiến thức, lao động, vệ sinh trường, lớp học, hoạt động xã hội, các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua trong nhà trường phổ thông.

3. Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh, cam kết với cơ sở giáo dục về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, tạo môi trường tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ