Kế hoạch 204/KH-UBND năm 2020 về nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020-2025

Số hiệu 204/KH-UBND
Ngày ban hành 09/09/2020
Ngày có hiệu lực 09/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 204/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2020-2025

Hiện nay, công tác phòng chống thiên tai là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm; thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương, đất nước. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai. Địa phương đã xây dựng Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 14/8/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai; triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là dân quân tự vệ nhằm nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở.

Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức công bố quyết định công nhận hoàn thành kế hoạch xây dựng tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại 03 cấp (tỉnh, 02 huyện và 02 xã) theo Quyết định số 15/QĐ-TWPCTT ngày 22/11/2019 của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.

Thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về tiếp tục triển khai, mở rộng phạm vi, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho 07 huyện, thị xã, thành phố Huế và các phường, xã, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 159-KH/TU ngày 18/6/2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho 07 huyện, thị xã, thành phố Huế (huyện Nam Đông và Quảng Điền đã được công nhận hoàn thành Kế hoạch xây dựng nâng cao năng lực phòng chống thiên tai) và các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ, tiến tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai; nâng cao năng lực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chỉ huy, điều hành của cả hệ thống chính trị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp.

- Công tác phòng, chống thiên tai phải được xem là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể.

- Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới, giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.

- Các cơ quan phụ trách phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch lồng ghép triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Yêu cầu

- Quán triệt sâu sắc chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ủy Ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trên cơ sở đó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiến hành chuẩn bị kế hoạch xây dựng tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai bảo đảm hết sức khẩn trương, đầy đủ, chặt chẽ, chu đáo.

- Các cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai Kế hoạch đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014; Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12/02/2015, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 về công tác phòng tránh lũ quét và sạt lở đất; Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2020; Kế hoạch số 159-KH/TU ngày 18/6/2020 và Kế hoạch số 164-KH/TU ngày 17/8/2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phù hợp với thực tế, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.

- Lồng ghép, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn để triển khai nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế xã hội và phát triển ngành, nâng cao hiệu quả đầu tư làm cơ sở để tổ chức thực hiện kế hoạch đạt kết quả tốt nhất.

- Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh với các ngành, các địa phương, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để triển khai kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, đồng bộ.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành nâng cao năng lực cho văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp (tỉnh, huyện, xã) để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

Đến năm 2025 có 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ; 09/09 Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực về phòng chống thiên tai tại chỗ.

III. NỘI DUNG

1. Đối với các đơn vị, địa phương đã được công bố hoàn thành Kế hoạch xây dựng tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai năm 2019: Tiếp tục xây dựng chuyên sâu, toàn diện, hoàn thiện hơn cho Văn phòng thường trực cấp tỉnh, huyện, xã đã được công nhận.

2. Đối với các đơn vị, địa phương chưa được công nhận hoàn thành xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai: Tiếp tục nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho các huyện, thị xã, thành phố Huế và các phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ, cụ thể:

a) Về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực tham mưu phòng, chống thiên tai

- Tổ chức bộ máy:

Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định tại Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018.

Rà soát Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

[...]