Kế hoạch số 20/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể năm 2006 do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 20/KH-UBND
Ngày ban hành 21/04/2006
Ngày có hiệu lực 21/04/2006
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Minh Chiếu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

UỶ BAN NHÂN DÂN  TỈNH AN GIANG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/KH-UBND

Long Xuyên, ngày 21 tháng 04 năm 2006 

 

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2006

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ ĐẾN NĂM 2005:

Năm 2005, kinh tế tập thể trên địa bàn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc thành lập mới hợp tác xã; đào tạo tập huấn, dạy nghề cho người lao động hợp tác xã, hỗ trợ vay vốn tín dụng bằng hình thức tín chấp, xúc tiến thương mại thông qua việc tham gia các hội trợ - triển lãm trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường, tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất ở các tỉnh, thành bạn, thông tin quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng...nên hoạt động của các hợp tác xã trong năm 2005 nhìn chung đạt được một số kết quả nhất định.

1. Kết quả đạt được.

a. Về số lượng HTX, LH HTX, quỹ TDND, tổ hợp tác:

Chỉ tiêu

Năm 2004

Kế hoạch 2005

Thực hiện 2005

TH:2005/2004

Thành lập mới

5

10

5

100%

Giải thể, phá sản

04

04

0

0%

Số xã viên HTX

97.500

100.000

104.083

107%

Thành viên LHHTX

0

01

0

0%

Lao động:

 

 

 

 

+ Làm việc trong HTX

24.700

26.000

24.990

101%

+ Lao động là xã viên

2.540

2.600

2.625

103%

+ Bình quân/HTX

145

150

148

102%

 

Như vậy, đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 162 HTX bao gồm: 103 HTX Nông nghiệp (06 HTX Thủy sản), 09 HTX Tiểu thủ công nghiệp, 22 HTX Giao thông vận tải (trong đó có 01 Liên hiệp Hợp tác xã), 01 HTX Thương mại dịch vụ, 02 HTX Xây dựng, 25 Quỹ tín dụng nhân dân. Trong tổng số 162 HTX có 159 HTX là thành viên của Liên minh HTX, chiếm tỷ lệ 98,7%.

b. Về hiệu quả hoạt động.

- Ước tính tổng mức đóng góp của kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà gần 288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 1,5%. Trong đó phần đóng góp của riêng Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã khoảng 204 tỷ đồng. Nếu tính phần đóng góp của kinh tế xã viên HTX, kinh tế thành viên Liệp hiệp Hợp tác xã và tổ hợp tác được tổ chức kinh tế tập thể phục vụ (tính trên 40.000 ha có sử dụng các dịch vụ của Hợp tác xã) thì tổng mức đóng góp vào GDP kinh tế tỉnh nhà ước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng;

- Hàng xuất khẩu chủ yếu của kinh tế tập thể tập trung vào loại hình Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng thủ công truyền thống như: thêu rua, se tơ, thổ cẩm của người Chăm, Khơmer... Tổng giá trị xuất khẩu của HTX năm 2005 đạt: 65,5 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 5,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.;

- Năm qua tỷ lệ cán bộ xã viên được đào tạo, bồi dưỡng trên 25% nâng tổng số xã viên, cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo ngắn hạn, dài hạn trên 60%;

- Tỷ suất lợi nhuận bình quân của kinh tế tập thể đạt khoảng 2,5%, trong đó hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân có tỷ suất lợi nhuận bình quân cao nhất: 3%, tiểu thủ công nghiệp: 2,5%, thương mại dịch vụ: 3%, vận tải hàng hóa: 2,3%, dịch vụ nông nghiệp: 1,76%;

- Thu nhập bình quân của xã viên HTX, thành viên tổ hợp tác năm 2005: 20 triệu đồng; Thu nhập bình quân của lao động trong HTX, tổ hợp tác ước khoảng: 10 triệu đồng;

c. Về phân loại HTX theo Thông tư 01/2006/TT-BKH, 19/01/2006.


TT

Nhóm ngành, nghề

Tổng số hợp tác xã

Trong đó số hợp tác xã có báo cáo

Trong số hợp tác xã có báo cáo

Mức tốt

Mức khá

Mức trung bình

Mức ỵếu

(1)

(2)

(3)

(4)= (5) + (6) + (7) + (8)

(5)

(6)

(7)

(8)

1

Nông, lâm nghiệp

97

83

47

17

11

8

2

Thuỷ sản

6

5

3

1

1

0

3

Công nghiệp

9

9

5

4

0

0

5

Xây dựng

2

2

2

0

0

0

6

Thương nghiệp

1

1

1

0

0

0

7

Vận tải

22

20

11

8

1

0

8

Tài chính, tín dụng

25

25

14

9

1

1

 

Tổng số

162

145

83

39

14

9

d. Các hoạt động của HTX trên một số lĩnh vực khác:

- Các loại hình dịch vụ của HTX cung cấp cho xã viên tập trung trên các lĩnh vực: tưới tiêu cho trên 40.000 ha đất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa trên 10.000 lượt hàng hóa, cung cấp tín dụng cho trên 49.755 lượt vay cho xã viên, thành viên, xúc tiến thị trường tiêu thụ hàng hóa trên 100 lượt xuất khẩu (bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp). Tỷ trọng của các loại hình dịch vụ cung cấp cho xã viên chiếm đến 70% trong tổng giá trị doanh thu của HTX;

- Về hoạt động đổi mới công nghệ: Trong năm 2005, các HTX trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư đổi mới công nghệ như: đầu tư nâng cấp, thay thế hoặc đầu tư mới hệ thống trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu; thay thế phương tiện vận tải đã quá niên hạn sử dụng; đầu tư chương trình quản lý tín dụng, kế toán tại các Quỹ tín dụng nhân dân; đổi mới trang thiết bị cơ khí chế tạo máy tại các HTX cơ khí...

- Hoạt động huy động vốn từ xã viên, tổ chức tín dụng của các HTX trên địa bàn tỉnh năm qua đạt 323.749 triệu đồng. So với năm 2004 tăng 76.563 triệu đồng, tỷ lệ tăng 30,97%.

- Hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và giữa các HTX với các loại hình doanh nghiệp khác được tổ chức dưới hình thức các chi hội nghề cá, các câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác ngành nghề, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp tham gia vào liên minh hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, giữa hợp tác xã với hợp tác xã...Các hoạt động này bước đầu đã hình thành trên các lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ - thương mại, vận tải hàng hóa, tín dụng, kho bãi, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí.

2. Tồn tại và nguyên nhân tồn tại:

a. Tồn tại:

Mặc dù tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn trong năm 2005 đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn đó những tồn tại cần khắc phục:

- Mô hình tổ chức, hoạt động của HTX theo hình thức liên kết các thành phần kinh tế khác mới được triển khai và áp dụng tại An Giang bước đầu có hiệu quả nhưng chưa được tổ chức nghiên cứu, rút kinh nghiệm để phổ biến và nhân rộng.

- Một số HTX chưa thực hiện tốt nguyên tắc tổ chức và hoạt động HTX, nguyên tắc phân phối lợi ích trong HTX. Chế độ kế toán thống kê chưa chấp hành đầy đủ, chưa thực hiện đầy đủ kiểm toán nội bộ, từ đó xã viên HTX nói riêng và nhân dân nói chung chưa thực sự tin tưởng vào tính minh bạch trong quản lý, nhất là trong quản lý tài chính của HTX.

- Một số HTX NN chỉ mới tập trung vào khâu tưới tiêu, chưa mở rộng được các loại hình dịch vụ để tham gia vào thị trường dịch vụ kinh doanh nông thôn vốn có tiềm năng rất lớn. Trình độ năng lực Ban quản trị và các bộ phận phục vụ còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh và việc khép kín quy trình từ sản xuất đến cung ứng và tiêu thụ.

- Sự chuyển biến về nhận thức đối với vị trí, vai trò của HTX trong sự vận hành chung của nền kinh tế thị trường ở các cấp, các ngành và các hộ nông dân đã có nhưng chưa được đồng bộ, chưa được đầy đủ về vị trí của HTX trong đời sống xã hội hiện nay, từ đó mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho HTX nhưng việc thực hiện chỉ mới dừng lại ở mức ban đầu nhằm tạo điều kiện để các HTX được tồn tại, thiếu động lực thúc đẩy HTX phát triển.

[...]