Kế hoạch 197/KH-UBND năm 2016 tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng Nông thôn mới” tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 197/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2016
Ngày có hiệu lực 29/12/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đình Xứng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 197/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 29 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI” TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là “Phong trào thi đua”); Quyết định số 4312/2015/QĐ-UBND ngày 27/10/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy định tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; để Phong trào thi đua được triển khai rộng khắp và đạt kết quả toàn diện; trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Ban Thi đua - khen thưởng tỉnh tại Công văn số 497/BTĐKT ngày 18/11/2016 về việc đề nghị ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng Nông thôn mới” tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh;

b) Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 59,0% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Yêu cầu

a) Việc tổ chức thực hiện Phong trào thi đua chung sức xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cụm thi đua giai đoạn 2016 - 2020;

b) Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với các nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn tỉnh với phương châm “Phát huy nội lực là chính”, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, cơ sở, phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân;

c) Việc công nhận, biểu dương, khen thưởng các thôn, bản, xã, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy Phong trào thi đua, tránh chạy theo thành tích;

d) Đến năm 2020, toàn tỉnh tiến hành tổng kết Phong trào thi đua, khen thưởng và kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, kinh nghiệm hay; các mô hình, cách làm sáng tạo trong phong trào xây dựng Nông thôn mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức, tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa, dân trí của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững quốc phòng và an ninh, ổn định chính trị.

2. Mục tiêu cụ thể

- Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu trên địa bàn các xã, thôn, bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn như hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội;

- Tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2015;

- Đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 59,0% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới; có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Năm 2017: có 01 huyện (Quảng Xương) đạt chuẩn nông thôn mới;

Năm 2018: có 01 huyện (Đông Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới; Năm 2019: có 01 huyện (Thọ Xuân) đạt chuẩn nông thôn mới;

Năm 2020: có 02 huyện (Hoằng Hóa, Nga Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới.

III. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

Đến nay, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào lớn của toàn tỉnh, tạo đà cho các địa phương bứt phá trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Với khí thế thi đua sôi nổi của cả hệ thống chính trị và toàn dân, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, các nội dung thi đua cần tập trung đẩy mạnh là:

1. Tập trung đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, bám sát thực tiễn các phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo môi trường và động lực mới cho sự phát triển.

2. Thi đua huy động mọi nguồn lực, tổ chức lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy tinh thần tự giác tham gia đóng góp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương; bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, chú trọng vận động nhân dân, huy động mọi nguồn lực xã hội, từ các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.

3. Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục…v.v, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và các công trình, thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng đảm bảo tính đồng bộ, làm tốt việc thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân, đẩy mạnh phát triển giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

4. Đẩy mạnh thi đua xây dựng thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa gắn với thi đua “Xây dựng công dân gương mẫu, cơ quan, đơn vị tập thể kiểu mẫu”; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở các vùng nông thôn; đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố lực lượng an ninh xã, phường - lực lượng nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

[...]