Kế hoạch 1935/KH-BHXH năm 2021 về xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2025 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 1935/KH-BHXH
Ngày ban hành 05/07/2021
Ngày có hiệu lực 05/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Thế Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1935/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG, BỒI DƯỠNG VÀ NHÂN RỘNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 do Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phát động với chủ đề: “Đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, quyết tâm xây dựng ngành BHXH Việt Nam tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp”, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) giai đoạn 2021 - 2025, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa và hiệu quả thiết thực của việc xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng ĐHTT trong các phong trào thi đua yêu nước; phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

- Xây dựng, lựa chọn tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, có thành tích xuất sắc toàn diện hoặc trên từng lĩnh vực công tác nghiệp vụ để tôn vinh, nêu gương học tập, nhân rộng nhằm tuyên truyền, quảng bá về phong cách công chức, viên chức, người lao động và hình ảnh Ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp vì mục đích an sinh cho người dân và xã hội; phấn đấu đến năm 2025 có tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, một số cá nhân được phong tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” và nhiều tập thể, cá nhân được tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước để vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước Ngành BHXH Việt Nam lần thứ VI.

- Thông qua công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng ĐHTT tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị.

2. Yêu cầu

- Thủ trưởng đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các đơn vị) cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đảng, đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai sâu rộng các phong trào thi đua do Ngành, địa phương, đơn vị phát động góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu, kế hoạch được giao hằng năm; gắn phong trào thi đua với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

- Việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng các mô hình ĐHTT gắn liền với sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động... của đơn vị, của Ngành trong mỗi giai đoạn nhất định. Tập thể, cá nhân điển hình được lựa chọn xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng phải thực sự tiêu biểu, có sức lan tỏa, tác động tích cực đối với cơ quan, đơn vị để mọi người học tập, noi gương.

II. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG ĐHTT

1. Đối tượng

- Tập thể gồm các đơn vị (đơn vị chuyên môn giúp việc; đơn vị sự nghiệp trực thuộc; Bảo hiểm xã hội tỉnh) và cấp phòng trực thuộc các đơn vị; Bảo hiểm xã hội huyện thuộc BHXH tỉnh.

- Cá nhân là công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành BHXH Việt Nam.

2. Tiêu chuẩn xây dựng ĐHTT

ĐHTT là nhân tố quan trọng làm nòng cốt cho phong trào thi đua yêu nước. Các ĐHTT phải là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, công tác quản lý, điều hành; gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngoài ra tập thể, cá nhân ĐHTT phải đạt một trong những tiêu chuẩn sau đây:

a) Tiêu chuẩn ĐHTT đối với tập thể

- Có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao, liên tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch được giao hàng năm; tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; có những giải pháp, sáng kiến, cách làm hay, mô hình mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; không có công chức, viên chức, người lao động bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

- Được tặng thưởng một trong các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng: “Anh hùng Lao động”; “Cờ thi đua của Chính phủ”; “Cờ thi đua của BHXH Việt Nam”; “Huân chương các loại”; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (căn cứ vào năm ban hành Quyết định khen thưởng, trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2025).

b) Tiêu chuẩn ĐHTT đối với cá nhân

- Có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao, có 02 năm liên tục trở lên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, giải pháp được công nhận; tích cực tham gia công tác đoàn thể hoặc đạt giải trong các cuộc thi, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do Ngành BHXH Việt Nam hoặc do địa phương tổ chức;

Đối với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải là người luôn nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; có tư duy đổi mới, khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới, quy tụ công chức, viên chức, người lao động, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám chịu trách nhiệm; minh bạch, công tâm, khả năng phát hiện và sử dụng công chức, viên chức, người lao động cấp dưới có đức, có tài, được công chức, viên chức, người lao động, đảng viên và quần chúng tín nhiệm và gắn với tiêu chuẩn ĐHTT của tập thể nêu tại Điểm 1 trên.

- Được tặng thưởng một trong các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng: “Anh hùng Lao động”; “Chiến sỹ thi đua ngành BHXH Việt Nam”; “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”; “Huân chương các loại”; “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; “Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam” (căn cứ vào năm ban hành Quyết định khen thưởng, trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2025).

III. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Phát hiện, lựa chọn, đăng ký ĐHTT

- Việc bồi dưỡng, xây dựng ĐHTT được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ được giao và được xác định từ đơn vị cơ sở. Do vậy, hằng năm trong quá trình triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các chỉ tiêu thi đua, và đăng ký tham gia thi đua của các tập thể, cá nhân, lãnh đạo đơn vị, từng bộ phận trong mỗi đơn vị cần chủ động phát hiện, lựa chọn và giới thiệu các tập thể, cá nhân là những nhân tố tích cực, sáng tạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao để xây dựng ĐHTT;

- Trên cơ sở danh sách được giới thiệu của các đơn vị cơ sở và tiêu chí về tập thể, cá nhân ĐHTT, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các đơn vị rà soát, đánh giá, thẩm định, lựa chọn ít nhất 01 tập thể và 01 cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất trong các lĩnh vực công tác để lên kế hoạch xây dựng thành các gương ĐHTT của đơn vị, của Ngành.

[...]