Kế hoạch 189/KH-UBND năm 2024 Phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2025

Số hiệu 189/KH-UBND
Ngày ban hành 06/08/2024
Ngày có hiệu lực 06/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 189/KH-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2025

I. SỰ CẦN THIẾT

Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Sơn La tương đối lớn: đàn trâu 111.595 con, bò 399.060 con (bò thịt 372.308 con, bò sữa 26.852 con), ngựa 7.027 con, dê 173.372 con, lợn 687.493 con, gia cầm 7.051.000 con. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung trên địa bàn còn thấp, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Sáu tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật, cụ thể: Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 39 lượt xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố (Mường La, Vân Hồ, Thành phố Sơn La, Yên Châu, Sông Mã, Bắc Yên, Mai Sơn, Phù Yên, Mộc Châu, Sốp Cộp, Thuận Châu), số lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy 1.804 con, tổng khối lượng tiêu hủy 68.269 kg; Bệnh LMLM (type O) xảy ra tại 04 xã của 04 huyện (Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Sốp Cộp), số động vật mắc bệnh là 352 con ( 302 con bò và 50 con trâu), số động vật chết và tiêu hủy là 18 con bò với khối lượng tiêu hủy 2.278 kg; Bệnh Dại xảy ra tại 02 xã (Chiềng Khoi, Sặp Vạt) của huyện Yên Châu, số mắc bệnh, chết, tiêu hủy là 07 con chó và 01 con bò (khối lượng 113 kg). Bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại xã Liên Hòa, huyện Vân Hồ, số động vật mắc bệnh 17 con bò, chết và tiêu hủy 05 con, khối lượng 419 kg.

Năm 2025, dự báo tình hình dịch bệnh động vật (Dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục…) có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tại địa bàn tỉnh Sơn La, số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn là sinh kế, nguồn thu nhập chính của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao, chăn nuôi nông hộ là chủ yếu, chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung; hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ngày càng tăng cao; thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật.

Để chủ động triển khai thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh, việc ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2025 để các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật;

- Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, tổ, bản, tiểu khu hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời, triệt để các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh ở động vật; đảm bảo sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Yêu cầu

-Việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật cần được sự chỉ đạo thống nhất và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, phải huy động được hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia thực hiện;

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tuân theo các quy định của pháp luật về thú y và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh;

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, phù hợp và hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn lực.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Khi chưa có dịch bệnh động vật

a) Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn

- Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh động vật cho người dân thông qua Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, bảo Sơn La, các trang mạng xã hội thuộc các Sở, ngành của tỉnh; hội nghị, hội thảo, tập huấn, tờ rơi;

- Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để người dân được biết và chủ động phòng, chống;

- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh;

- Tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật; tập huấn cho những đối tượng trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ; các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản:

+ Tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh động vật; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, lấy mẫu bệnh phẩm cho đối tượng là viên chức Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố;

+Tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đối tượng là nhân viên thú y cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

b) Về giám sát dịch bệnh, quan trắc, cảnh báo môi trường thủy sản

- Tổ chức giám sát chặt chẽ từng loại dịch bệnh động vật đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản;

- Củng cố, hoàn thiện hệ thống báo cáo dịch từ tổ, bản đến xã, huyện, tỉnh;

- Giám sát sự lưu hành của mầm bệnh tại các hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản, tại các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, chợ buôn bán thủy sản hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân trên địa bàn các huyện, thành phố bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất;

[...]