Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2024 xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 188/KH-UBND
Ngày ban hành 24/10/2024
Ngày có hiệu lực 24/10/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Thiên Văn
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 24 tháng 10 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

XỬ LÝ, THU HỒI ĐẤT LÂM NGHIỆP BỊ LẤN, CHIẾM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều hạn chế; tại một số địa phương, công tác chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó công tác kiểm tra, xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường bị lấn, chiếm chưa được quan tâm đúng mức, chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa cụ thể, sát sao, nhiều địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tình trạng đất lâm nghiệp do nhà nước quản lý và của các doanh nghiệp được nhà nước giao, cho thuê bị lấn, chiếm trong thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; người dân canh tác, sản xuất, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất lấn, chiếm gây nhiều áp lực, khó khăn cho chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp; ảnh hưởng xấu, trực tiếp đến công tác quản lý, sử dụng đất, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các Công ty trách nhiệm hữu hạng một thành viên, hai thành viên về lâm nghiệp (sau đây viết tắt là các Công ty TNHH MTV, HTV lâm nghiệp) và các Ban quản lý rừng, vườn quốc gia và các chủ dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện Thông báo kết luận giám sát số 417-TB/UBKTTW ngày 13/01/2023 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; để tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai; khắc phục các tồn tại hạn chế; xử lý nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là hành vi lấn, chiếm đất lâm nghiệp; đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, Doanh nghiệp và các Chủ rừng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn tỉnh với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường, nâng cao nhận thức trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, đất lâm nghiệp góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã; vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp, nhất là trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; trách nhiệm của các chủ rừng, chủ dự án trong quản lý, sử dụng diện tích đất được giao, thuê.

- Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật về đất đai đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, có giải pháp toàn diện, hữu hiệu, hợp lý, thu hồi lại diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng trái phép theo quy định của pháp luật để đưa đất vào quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phát huy nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành và pháp luật khác có liên quan, có xét đến tình hình thực tế tại địa phương; có sự chỉ đạo, theo dõi, tham gia, phối hợp, hỗ trợ tích cực, có hiệu quả của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

- Việc tổ chức xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép phải được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp được pháp luật quy định; có sự hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành chức năng liên quan với chính quyền địa phương và đơn vị có liên quan; đảm bảo nghiêm minh, triệt để, khách quan đúng quy định của pháp luật.

- UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn chủ động tăng cường bố trí nguồn lực hợp lý của địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ.

- Đảm bảo gắn trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Đối với UBND cấp huyện

a) Về công tác chuẩn bị, nhiệm vụ thực hiện

- Tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, công chức, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, đoàn thể cùng cấp và người dân, Doanh nghiệp, Chủ rừng, chủ dự án trên địa bàn về chủ trương của tỉnh xử lý, thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, các chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức pháp luật trong xã hội, trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp; tích cực tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng Kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn quản lý một cách phù hợp, sát với thực tiễn, đúng quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng đề cao công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp, đất đai, khuyến khích người dân tự nguyện trả lại đất lâm nghiệp đã bị lấn, chiếm, hạn chế thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi.

- Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tham mưu chỉ đạo xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trên địa bàn quản lý, với thành phần gồm:

+ Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo;

+ Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Công an huyện, thị xã, thành phố làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo;

+ Thành viên Ban chỉ đạo, gồm: Chánh Thanh tra, Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng phòng Dân tộc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

+ Mời Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,…), Cơ quan quân sự huyện cùng cấp tham gia.

Trường hợp xét thấy cần thiết mời thêm các thành viên khác tham gia Ban chỉ đạo cấp huyện.

- Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tại địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện công tác xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các Công ty TNHH MTV, HTV Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và các chủ rừng, chủ dự án nông lâm nghiệp tiến hành kiểm tra tại thực địa, xác định đối tượng lấn chiếm trái phép, diện tích đất bị lấn chiếm, thời điểm lấn chiếm, hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc đất đai; căn cứ quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan để xem xét, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ công tác cần tập trung vào diện tích đất bị lấn, chiếm có nguồn gốc như sau:

+ Diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giao cho các cộng đồng dân cư, UBND cấp xã quản lý nhưng quản lý yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát để người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng.

+ Đất lâm nghiệp bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng trái pháp luật đối với diện tích UBND tỉnh giao, cho thuê tại các dự án nông lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV, HTV Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên và các vườn quốc gia.

[...]