Kế hoạch 181/KH-TLĐ năm 2022 thực hiện Kết luận 19-KL/TW và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 181/KH-TLĐ
Ngày ban hành 18/03/2022
Ngày có hiệu lực 18/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Khang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 181/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 19-KL/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀ ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

- Triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và các định hướng, nhiệm vụ lập pháp, giải pháp thực hiện được xác định trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

- Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đại diện người lao động trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ người lao động từ xa và trên diện rộng. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc nâng cao chất lượng công tác giám sát thực hiện chính sách, pháp luật.

- Việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định; bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả và mang tính xây dựng.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện Luật Công đoàn

1.1. Tên văn bản luật: Luật Công đoàn (sửa đổi).

1.2. Định hướng nội dung sửa đổi Luật Công đoàn.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Công đoàn đảm bảo thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện của người lao động; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Về cơ bản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện 03 chính sách đề nghị sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn 2018 - 2020, gồm: (1) Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn và cơ chế quản lý biên chế cán bộ công đoàn; (2) Hoàn thiện một bước cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; (3) Hoàn thiện các quy định của Luật Công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

Ngoài những nội dung định hướng sửa đổi đã xác định trong giai đoạn 2018 - 2020, trong quá trình nghiên cứu, rà soát, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục cập nhật, hoàn thiện những nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

1.3. Thời gian thực hiện:

Trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5,6/2024). Trình Quốc hội thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10,11/2024).

1.4. Cơ quan phối hợp: Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan.

2. Nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

2.1. Nội dung: Thực hiện có hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, bảo đảm vai trò của Tổng Liên đoàn và công đoàn các cấp trong đại diện người lao động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, tập trung tham gia góp ý, phản biện đối với các dự án Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...v.v; các chính sách phục hồi thị trường lao động, việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.

2.2. Thời gian thực hiện: Trong thời gian cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về dự thảo văn bản.

2.3. Cơ quan phối hợp: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan.

3. Nhiệm vụ giám sát thực hiện chính sách, pháp luật

3.1. Nội dung: Tập trung chủ trì, phối hợp thực hiện giám sát: (1) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động; (2)Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; (3) Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp; (4) Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

3.2. Thời gian thực hiện: từ năm 2022 đến năm 2026 (Sẽ ban hành kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động giám sát).

3.3. Cơ quan phối hợp: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các địa phương.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục xác định công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, góp phần bảo vệ người lao động từ xa và trên diện rộng.

2. Tập trung ưu tiên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi Luật Công đoàn, trong đó:

[...]