Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 176/KH-UBND
Ngày ban hành 07/06/2021
Ngày có hiệu lực 07/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 07 tháng 06 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

I. CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI

1. Triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo

Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển Nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2010 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Thực hiện Thông tư số 07/2013/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2015 về việc tuyển chọn, bố trí sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2018. Trên cơ sở phân công trách nhiệm các Sở, ngành liên quan đã triển khai thực hiện theo từng lĩnh vực phụ trách của từng đơn vị. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Tỉnh và tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển nghề công tác xã hội lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm.

2. Củng cố và phát triển mạng lưới công tác xã hội và đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên. Công tác viên công tác xã hội

Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 02/7/2018 thực hiện Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn Tỉnh, năm 2018 tỉnh đã hợp nhất Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em Tỉnh và Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh thành Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Chương II về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở trợ giúp xã hội của Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, đến thời điểm hiện nay tỉnh có 4 cơ sở bảo trợ xã hội1.

Thực hiện Thông tư số 07/2013/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2015 về việc tuyển chọn, bố trí sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2018. Kế hoạch mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh được tuyển chọn 01 cộng tác viên công tác xã hội, đến thời điểm hiện nay 143/143 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã bố trí cộng tác viên công tác xã hội được duy trì.

II. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN VỀ PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc tuyên truyền phổ biến về nghề công tác xã hội trên địa bàn và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp thực hiện các phóng sự, chuyên trang về an sinh xã hội, giảm nghèo và hàng năm tổ chức họp mặt ngày công tác xã hội Việt Nam ngày 25/3, nội dung tuyên truyền về các chính sách trợ giúp xã hội, trong đó có tuyên truyền về nghề công tác xã hội2.

III. HOẠT ĐỘNG TẬP HUẤN, ĐÀO TẠO, ĐÀO TẠO LẠI CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI CẤP CƠ SỞ

1. Về tập huấn

Giai đoạn 2011 - 2020, định kỳ hàng năm tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn trong việc thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho cán bộ làm công tác xã hội các cấp trong tỉnh. Căn cứ vào nguồn kinh phí được Trung ương bố trí hàng năm và ngân sách địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký hợp đồng với trường Đại học Lao động Xã hội (CSII) tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 17 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng công tác xã hội cho 1.847 lượt cán bộ làm công tác xã hội của các ngành, các cấp trong tỉnh3. Tổng kinh phí thực hiện trên 2.000 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương

Sau khóa tập huấn đã giúp cán bộ trực tiếp làm công tác xã hội các cấp được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác xã hội cần thiết cho công việc, cũng như việc tiếp cận đối tượng. Đặc biệt là các cán bộ cấp cơ sở, nơi thường xuyên tiếp xúc và làm việc với đối tượng; nắm rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của nghề công tác xã hội. Từ đó, làm tham mưu cho lãnh đạo đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả và xây dựng kế hoạch, hoạt động phù hợp tại địa phương.

2. Về đào tạo

Năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo lớp trung cấp chuyên ngành công tác xã hội cho 32 học viên là cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn có trình độ tốt nghiệp Trung học phổ thông để chuẩn hoá đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội, đến năm 2018 cán bộ cộng tác viên công tác xã hội đều có trình độ chuyên môn trung cấp công tác xã hội trở lên. Kinh phí thực hiện là 633,6 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Năm 2019 Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo liên thông đại học hệ vừa làm, vừa học cho cán bộ, công chức, cộng tác viên công tác xã hội các xã, phường, thị trấn và viên chức Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp Tỉnh niên khóa 2019 - 2022. Phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp mở lớp đào tạo liên thông đại học hệ vừa làm, vừa học chuyên ngành công tác xã hội với tổng số 27 học viên với tổng kinh phí 567 triệu đồng4.

IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG NGÀNH Y TẾ

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh đã triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về nghề công tác xã hội thông qua các hình thức tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của lãnh đạo các khoa phòng, nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân để biết được vai trò, nhiệm vụ của công tác xã hội trong y tế cụ thể là tại bệnh viện.

Các đơn vị đã triển khai, phổ biến, quán triệt 07 nhiệm vụ theo Thông tư 43/2015/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Bộ Y tế đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động thông qua các buổi họp giao ban, loa phát thanh nội bộ qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với nghề công tác xã hội trong tình hình mới tại các cơ sở y tế.5

V. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 77/KH-UBND NGÀY 14/10/2010 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

- Nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội (đạt 100%6).

- Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội trong tỉnh đến năm 2015 tăng 10%, đến năm 2020 tăng 50%, trong đó xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội (đạt 100% 143 xã, phường, thị trấn hiện nay đều có cộng tác viên công tác xã hội; Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp Tỉnh có 06 viên chức thuộc Phòng Công tác xã hội - Phát triển cộng đồng7).

- Xây dựng mô hình điểm trung tâm tư vấn và cung cấp dịch vụ công tác xã hội xã hội của tỉnh (đạt 100% Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp Tỉnh hiện nay có Phòng Công tác xã hội - Phát triển cộng đồng có nhiệm vụ tư vấn và cung cấp dịch vụ công tác xã hội của tỉnh8).

- Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các cơ sơ bảo trợ xã hội và cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp (đạt 100%9).

[...]