Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2020 về triển khai hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế với trường Đại học Nông lâm

Số hiệu 176/KH-UBND
Ngày ban hành 24/07/2020
Ngày có hiệu lực 24/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM

Thực hiện các nội dung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh Thừa Thiên Huế với Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch triển khai với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường Đại học Nông lâm nhằm thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ hợp tác phải được phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế và Trường Đại học Nông lâm.

Các hoạt động phải được triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng.

II. NHIỆM VỤ

1. Lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật

- Phối hợp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trồng trọt và bảo vệ thực vật trong việc điều tra, phát hiện, giám định và phân lập các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng; đề xuất giải pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại mới (lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh) và đối tượng kiểm dịch thực vật (khảm lá sắn, rệp sáp bột hồng, sâu keo mùa thu...).

- Nghiên cứu tuyển chọn những giống lúa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như chịu mặn, chịu hạn...

- Đào tạo kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phối hợp chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh.

2. Lĩnh vực chăn nuôi, thú y

- Hợp tác thực hiện nghiên cứu khoa học về phát triển chăn nuôi bền vững trên cơ sở an toàn sinh học, hữu cơ, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Nghiên cứu, phổ biến phương pháp chế biến thức ăn chăn nuôi cho các trang trại quy mô nhỏ từ nguồn nguyên liệu và men vi sinh tại địa phương, hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.

3. Lĩnh vực thủy sản

Nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ mới phục vụ sản xuất thủy sản như:

- Công nghệ xử lý nước tuần hoàn trong nuôi tôm diện tích quy mô nhỏ (300-1.000 m2).

- Công nghệ sinh sản nhân tạo các giống cá bản địa vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô (cá Ong bầu, cá Nâu, cá Dìa,...).

4. Lĩnh vực Lâm nghiệp

- Nghiên cứu và nhân rộng các mô hình sử dụng hiệu quả đất dưới tán rừng trồng, rừng tự nhiên.

- Nghiên cứu điều tra, giám sát đa dạng sinh học các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

5. Lĩnh vực Thủy lợi

- Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện canh tác và cây trồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

6. Lĩnh vực phát triển nông thôn

- Phối hợp thực hiện tư vấn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để hỗ trợ nâng cấp tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, chú trọng đến các sản phẩm làng nghề và nghề truyền thống.

- Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ chế biến, bảo quản, cơ khí nông nghiệp, nhất là chế biến, bảo quản nông sản đối với các HTXNN trên địa bàn.

[...]