Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Số hiệu 176/KH-UBND
Ngày ban hành 02/11/2017
Ngày có hiệu lực 02/11/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Nguyễn Chí Hiến
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/KH-UBND

Phú Yên, ngày 02 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020.

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: số 49/2016/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 ban hành quy định quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên; số 38/2017/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải với UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong công tác xử lý hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác, thi công công trình trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ trên địa bàn tỉnh Phú Yên; số 24/2017/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm an toàn và bền vững công trình đường bộ, chống hư hỏng do khai thác, sử dụng hành lang an toàn đường bộ gây ra, phục vụ công tác bảo trì đường bộ; duy trì khả năng khai thác của các tuyến đường, bảo đảm an toàn giao thông cho lái xe và phương tiện, bảo đảm an toàn cho dân cư bên đường về môi trường như: tiếng ồn, không khí đặc biệt là bảo đảm tầm nhìn lái xe, giảm thiểu hậu quả khi xảy ra phương tiện bị TNGT văng ra khỏi đường xe chạy; và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ các tuyến đường tỉnh, QL.19C, QL.25, QL.29 và đường giao thông nông thôn, đường sắt trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn giao thông; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, tích cực xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt góp phần giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; duy trì kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo đường thông, hè thoáng, đường sạch, đẹp, đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông để từng bước ngăn chặn nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông, phát sinh tai nạn và ùn tắc giao thông bao gồm các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác, thi công công trình trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; quản lý chặt chẽ việc sử dụng, khai thác, thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt; kết hợp quản lý theo địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện công việc được giao.

- Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt phải đảm bảo toàn diện, thiết thực, có hiệu quả; phát hiện và đề xuất phương hướng khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông ở địa phương.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng, khai thác, thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt. Nội dung:

- Nghiêm cấm các hành vi dẫn đến nguyên nhân mất trật tự, an toàn giao thông, phát sinh tai nạn và ùn tắc giao thông bao gồm các hành vi, cụ thể như: để vật liệu xây dựng, nông lâm sản, bán hàng, hp chợ trên lòng, lề đường; trông giữ xe trái phép; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi đất của đường bộ; đào khoan, xẻ đường trái phép; dựng lều quán, mái vẩy trên lề đường, vỉa hè; xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi lên vỉa hè, vào nhà; phá hủy hệ thống rãnh dọc, lấn chiếm cửa cống, san lấp hạ lưu thoát nước; đấu nối trái phép vào đường bộ; xây dựng công trình nhà ở, lều, lán trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt...; Đổ rác thải, nước thải, xả nước thải xây dựng từ các công trình xây dựng ra đường đô thị là đường tỉnh, quốc lộ không đúng nơi quy định và các hành vi nghiêm cấm khác theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ.

- Vận động các tổ chức, cá nhân có công trình vi phạm trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm; khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao thông.

- Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được trích từ Điều 12; Điều 13; Điều 15 và các Điều: 48, 49, 50, 51… của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Hình thức: đa dạng hóa và phong phú hình thức tuyên truyền, duy trì thường xuyên và liên tục.

2. Tổng rà soát trong việc xử lý, xử phạt các vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt

- Tổ chức rà soát, xác định phần đất bảo trì đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

- Các hành vi bị cấm quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ; và các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật đường sắt.

- Các Điều 12 - Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, Điều 13 - Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ), Điều 15 - Xử phạt các hành vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các Điều: 48, 49, 50, 51… của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.

- Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

3. Các bước lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt

Căn cứ quy định các hành vi bị cấm, các hành vi vi phạm quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, tổ chức rà soát, phân loại các vi phạm cho từng đoạn, tuyến đường, sau đó tiến hành các bước như sau:

Bước 1: Vận động tổ chức, cá nhân có vi phạm thuộc đối tượng giải tỏa tự giác khắc phục các hành vi vi phạm, ký cam kết không tái lấn chiếm. Hình thức vận động: phát hành văn bản tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân và lập văn bản cam kết. Nếu không khắc phục kịp thời, tiến hành xử lý, xử phạt đối với các vi phạm đối với các hành vi sau (trừ các yêu cầu cụ thể khác đối với từng nhóm hành vi):

- Đối với lĩnh vực đường bộ:

[...]