Kế hoạch 170/KH-UBND năm 2022 phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 170/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2022
Ngày có hiệu lực 29/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/KH-UBND

An Giang, ngày 29 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh An Giang;

Căn cứ Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, quy định chế độ tài chính cho hoạt động tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng trên địa bàn tỉnh An Giang;

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh An Giang giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 như sau:

A. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP:

1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp1:

Từ đầu năm 2020 toàn tỉnh có 851 doanh nghiệp thành lập mới và 557 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 7.288 tỷ đồng. So với cùng kỳ số doanh nghiệp đăng ký tăng 19,52% (tăng 139 doanh nghiệp) và số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 10,95% (tăng 55 đơn vị trực thuộc) về số vốn đăng ký tăng 52,98% (tăng 2.524 tỷ đồng).

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 114 doanh nghiệp, giảm 16,17% (giảm 22 doanh nghiệp).

Số đơn vị trực thuộc chấm dứt hoạt động là 299 đơn vị trực thuộc tăng 4,18% (tăng 12 đơn vị trực thuộc).

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 240 doanh nghiệp tăng 11,11% (tăng 24 doanh nghiệp).

Số đơn vị trực thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động là 57 đơn vị trực thuộc giảm 10,93% (giảm 07 đơn vị trực thuộc) so với cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp đăng ký là 10.934 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 67.719 tỷ đồng và 5.641 đơn vị trực thuộc. Trong đó, còn 5.617 doanh nghiệp và 3.296 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 55.659 tỷ đồng.

2. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin:

Hiện tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh có 7.026 doanh nghiệp. Trong đó, có 172 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động.

Doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước về viễn thông và CNTT như Viễn thông An Giang, Viettel An Giang, MobiFone An Giang, Viễn thông FPT An Giang …. Chưa có doanh nghiệp tư nhân công nhận là doanh nghiệp về công nghệ số. Việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp chưa nhiều, chủ yếu là sử dụng phần mềm văn phòng như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nội bộ...

B. PHÂN TÍCH VỀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:

1. Điểm mạnh:

- Các DNNVV của tỉnh sử dụng được nguồn lực lao động tại địa phương, điều này đã góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở địa phương.

- Một số DNNVV đã sẵn sàng áp dụng công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới trong sản xuất. Điều này sẻ giúp tạo cơ hội để ra đời doanh nghiệp công nghệ số.

- Các đơn vị trường học đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ quản lý, giảng dạy như quản lý học sinh, phiếu liên lạc điện tử; ngân hàng đề thi và ứng dụng kiểm tra khách quan; e-learning… Bên cạnh đó, các trường học từ bậc tiểu học đến Trung học phổ thông có giảng dạy về tin học, trong đó bậc THPT là 52/52 trường, bậc THCS là 157/157 trường, bậc tiểu học là 88/118 trường. Ngoài ra, còn có các Đại học An Giang, Cao đẳng nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm đào tạo về tin học, …. có đào tạo ngành CNTT từ bậc trung cấp đến đại học đây cũng là nguồn bổ sung nhân lực CNTT cho tỉnh.

2. Điểm yếu:

- Năng lực kết nối thị trường cho việc quảng bá, phát triển sản phẩm số, chưa có doanh nghiệp dẫn dắt để phát triển.

- Hầu hết các sản phẩm chưa có nhãn hiệu và thương hiệu, sản phẩm xử lý sự vụ, sự việc.

- Năng lực quản lý kinh doanh của các DNNVV còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa có khả năng phân tích thông tin của thị trường.

[...]