Kế hoạch 1624/KH-UBND năm 2011 về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hà Nam đến năm 2020
Số hiệu | 1624/KH-UBND |
Ngày ban hành | 18/11/2011 |
Ngày có hiệu lực | 18/11/2011 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Nam |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1624/KH-UBND |
Hà Nam, ngày 18 tháng 11 năm 2011 |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU CỦA TỈNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Tỉnh ủy Hà Nam về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hà Nam đến năm 2020; căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục đích:
Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hà Nam đến 2020, trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo, phát huy vai trò trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết đề ra.
2. Yêu cầu:
Các ngành, các cấp căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ huy động được các nguồn lực đầu tư cho chương trình phát triển nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
1. Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020.
1.1. Về giáo dục:
Giữ vững và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phấn đấu đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục bậc trung học. Đến năm 2015, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 60% trường mầm non, 100% trường tiểu học (trong đó 30% đạt chuẩn mức 2), 60% trường trung học cơ sở, 70% trường trung học phổ thông. Đến năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 80% trường mầm non, 100% trường tiểu học (trong đó 60% đạt chuẩn mức 2), 80% trường trung học cơ sở, 80% trường trung học phổ thông. Chuyển đổi 112 Trường Mầm non bán công sang loại hình Trường Mầm non công lập từ năm 2012 để đến năm 2015 hoàn thành việc chuyển đổi.
Nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Trong giai đoạn 2011 - 2015, 50% số cán bộ công chức tuyển mới phải thông thạo 1 ngoại ngữ. Sau năm 2015, đối với cán bộ công chức tiếp nhận về đều phải thông thạo 1 ngoại ngữ. Thực hiện đưa môn học tiếng Anh vào dạy đại trà cho học sinh từ lớp 3 bắt đầu từ năm học 2011 - 2012.
1.2. Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm:
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
- Thời kỳ 2011 - 2020: Giải quyết việc làm mới cho từ 150.000 lao động trở lên; giải quyết việc làm thêm cho từ 190.000 lao động trở lên.
- Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 55%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 45% trở lên.
- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng dưới 3%.
1.3. Về đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo doanh nghiệp:
Đến năm 2015, tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ đại học và trên đại học là trên 85%, năm 2020 là trên 90%; viên chức có trình độ đại học và trên đại học là trên 50%, năm 2020 là trên 70%; chưa qua đào tạo giảm còn tối đa là 5%. 100% cán bộ công chức được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị theo quy định. Cán bộ, công chức cấp xã đến 2015 có trình độ đại học 30%, trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp 20% trở lên; năm 2020 tỷ lệ trình độ tương ứng là 40% và 30%. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ đại học năm 2015 khoảng 80%, năm 2020 khoảng 90%.
1.4. Về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân:
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế dự phòng, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn khoảng 15%, tuổi thọ trung bình người dân đạt trên 74 tuổi (trên mức bình quân chung cả nước), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,76%. Đến năm 2020, tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nam trên 75 tuổi (trên mức bình quân chung cả nước), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 0,76%, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn khoảng 11%.
2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhân lực.
2.1. Hoàn thành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020, tổ chức công bố rộng rãi trong quý 3/2011; Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch cụ thể trong kế hoạch 5 năm, hàng năm.
- Ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các lĩnh vực xã hội hoá theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ; Kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ; Cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư vào Khu đô thị đại học của tỉnh.
2.2. Xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020, trong đó chú trọng quy hoạch hệ thống các trường chất lượng cao, thực hiện tốt Đề án xây dựng Trường THPT chuyên Hà Nam. Xây dựng kế hoạch theo thời kỳ cụ thể, thực hiện các chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và triển khai dạy đại trà tiếng Anh cho học sinh lớp 3 từ năm học 2011 - 2012.
- Xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, trong đó khoảng 78% vào học THPT, 10% vào học các trường TCCN và 10% vào học các trường đào tạo nghề; Thời gian hoàn thành trong quý 4/2011.
2.3. Xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng cơ chế phối hợp trong đào tạo nghề giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng lao động.