Kế hoạch 154/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chương trình 24-CTr/TU về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 154/KH-UBND
Ngày ban hành 11/10/2017
Ngày có hiệu lực 11/10/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Thanh Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 154/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 11 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 24-CTR/TU NGÀY 08/8/2017 CỦA THÀNH ỦY VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của người nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

- Có giải pháp thúc đẩy, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.

- Quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng và năng lực cạnh tranh; nhiều doanh nghiệp của tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

II. NHIỆM VỤ

1. Đảm bảo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát huy được thế mạnh và tiềm năng đồng thời đi đôi với khắc phục có hiệu quả những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân. Thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân.

2. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Thành ủy về thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đến năm 2020, theo hướng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư và các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của thành phố; đồng thời triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân do Trung ương ban hành, tạo điều kiện để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi sự, doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động. Triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

3. Quan tâm chỉ đạo các hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

4. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng chính quyền; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường phối hợp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và địa phương đối với kinh tế tư nhân. Hoàn thiện, công khai, minh bạch các thông tin kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, cơ chế, chính sách quản lý, tạo điều kiện cho thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác qua đó thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, trong đó tập trung vào việc triển khai đúng, đầy đủ, rõ ràng các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường các giải pháp kiểm soát thông tin để đảm bảo thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

2. Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư và các cơ chế đặc thù khác thuộc thẩm quyền của thành phố, qua đó tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

3. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân do Trung ương ban hành; đồng thời thường xuyên rà soát, đề xuất Trung ương ban hành mới, điều chỉnh các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương cho phù hợp với tình hình thực tế thành phố và nhu cầu phát triển kinh tế tư nhân.

4. Thường xuyên theo dõi, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các giải pháp nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

5. Thúc đẩy phát triển các hoạt động khoa học công nghệ, trong đó ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh. Có chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

6. Tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có khả năng sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân trong công tác tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm gia tăng mối liên kết giữa cơ sở đào tạo nhân lực với cơ sở sử dụng nhân lực. Rà soát, điều chỉnh hoặc tham mưu điều chỉnh các chương trình đào tạo nhân lực theo hướng ưu tiên đào tạo theo nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động và theo hình thức “đặt hàng” nhân lực.

7. Tiếp tục rà soát xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước, trong đó đặc biệt ưu tiên các đẩy mạnh thực giải pháp phân cấp quản lý nhà nước theo quy định, đảm bảo sự linh hoạt, tránh chồng chéo giữa các ngành, các cấp. Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lương công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tư nhân.

8. Đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính. Nhân rộng các mô hình cải cách hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả và phục vụ. Tăng cường sự phối hợp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và địa phương đối với kinh tế tư nhân. Công bố công khai, minh bạch các thông tin kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, cơ chế, chính sách quản lý, tạo điều kiện cho thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác qua đó thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố tham mưu trình UBND thành phố triển khai có hiệu quả nhóm các giải pháp thuộc cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư và các cơ chế đặc thù khác thuộc thẩm quyền của thành phố.

- Tham mưu trình UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh cho kinh tế tư nhân.

- Thường xuyên theo dõi, tham mưu UBND thành phố thực hiện đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các giải pháp nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

[...]