Kế hoạch 134/KH-UBND thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh năm 2018

Số hiệu 134/KH-UBND
Ngày ban hành 23/02/2018
Ngày có hiệu lực 23/02/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận Phú Nhuận
Người ký Nguyễn Thành Phương
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 23 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN PHÚ NHUẬN NĂM 2018

Thực hiện Quyết định số 5297/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 11 tháng 6 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố;

Thực hiện Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân quận về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Phú Nhuận giai đoạn 2016-2020;

Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2018 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị, đồng thời tăng cường các hoạt động về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tạo sự chuyển biến tích cực của nhân dân về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

Thực hiện hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo đúng lộ trình đề ra của Ủy ban nhân dân thành phố và phù hợp với đặc điểm địa bàn quận. Tập trung kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiều ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, nước mặt, nước thải, chất thải rắn thông thường, chất thải y tế và chất thải nguy hại; cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường; xây dựng thành phố sạch, xanh, phát triển bền vững.

2. Chỉ tiêu

- Phấn đấu 95 % nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh có lưu lượng nước thải từ 5 m3/ngày-đêm và nước thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam.

- Đảm bảo các nguồn thải phát sinh từ hoạt động của trạm trung chuyển chất thải rắn nằm tại đường Bùi Văn Thêm, phường 9 đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam.

- Phấn đấu 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Duy trì nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường 2, 8, 11, 12.

- Đảm bảo và duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch.

- Giảm thiểu 100% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt.

- Diện tích che phủ cây xanh đạt 0,99 m2/người.

- Đảm bảo 100% học sinh các cấp học trên địa bàn được giáo dục về kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường.

- Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phấn đấu 80% người dân áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày.

- Nâng cao trách nhiệm cộng đồng và năng lực cho cán bộ quản lý; phấn đấu 100% công chức, viên chức có hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

- Phấn đấu 100% hộ gia đình hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu.

II. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI

1. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường

Thực hiện Chương trình giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học; tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, chấp hành việc chi trả phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, khu dân cư, các tổ chức tôn giáo, trường học, bệnh viện, cơ sở kinh doanh, cơ quan, đơn vị nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông và ứng phó biến đổi khí hậu, lợi ích từ việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Khuyến khích, hướng dẫn và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động liên tịch bảo vệ môi trường, tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh khu vực dân cư, khu vực tuyến đường sắt, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các Ngày Chủ nhật xanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Hội sóng xanh, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Nước thế giới, Tuần lễ quốc gia nước sạch và các hoạt động bảo vệ môi trường khác; phát các tờ bướm tuyên truyền, vận động người dân không xả rác; hạn chế khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn quận, phân loại rác, bảo vệ kênh rạch...

2. Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường

Duy trì nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường 2, 8, 11,12 và tiếp tục triển khai thực hiện “Tuần lễ thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình” trên địa bàn 15 phường.

Tiếp tục triển khai và thực hiện việc kiểm tra cấp giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường của các tổ chức, cá nhân thi công công trình xây dựng, các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng.

[...]