Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 130/KH-UBND
Ngày ban hành 20/06/2023
Ngày có hiệu lực 20/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 20 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC AN TOÀN, AN NINH MẠNG QUỐC GIA, CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI CÁC THÁCH THỨC TỪ KHÔNG GIAN MẠNG ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (viết tắt là Quyết định số 964/QĐ-TTg), Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa và triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Quyết định số 964/QĐ-TTg phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng (viết tắt là an toàn, an ninh mạng) đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh. Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó, xử lý hiệu quả các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng. Gắn kết công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng với công tác triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Bảo đảm các nguồn lực cần thiết trong tổ chức thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng không gian mạng phát triển văn minh, lành mạnh. Nâng cao năng lực về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng; đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; bảo vệ công cuộc chuyển đổi số, chủ quyền quốc gia và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Nâng cao năng lực, điểm số các chỉ số về an toàn, an ninh mạng của tỉnh.

- Xây dựng hệ thống Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý các thông tin gây hại tới không gian mạng trên địa bàn tỉnh.

- Hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các sở, ban ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương; đảm bảo mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có một bộ phận được giao nhiệm vụ làm đầu mối, chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thành lập một đơn vị bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

- Các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật.

- Bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, các hệ thống thông tin quan trọng của các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Phấn đấu ít nhất 80% người sử dụng Internet trở lên có cơ hội tiếp cận các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

- Kinh phí phục vụ công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

3. Tầm nhìn đến năm 2030

- Duy trì và nâng cao năng lực, điểm số các chỉ số về an toàn, an ninh mạng của tỉnh, góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu.

- Xây dựng thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng với sự tham gia tích cực, đông đảo của quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Củng cố, đào tạo, tăng cường lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

- Phấn đấu ít nhất 90% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước

- Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tỉnh điều phối chung sự phối hợp giữa các sở, ban ngành liên quan trong tổ chức thực hiện.

- Thường xuyên phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn, an ninh mạng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác an toàn, an ninh mạng; chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

- Phát huy sự tham gia có hiệu quả của quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ động ứng phó với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng.

[...]