ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 129/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày 23
tháng 5 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
VỀ
VIỆC TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 4/CT-TTG NGÀY 07
THÁNG 02 NĂM 2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN QUY HOẠCH
KIẾN TRÚC NÔNG THÔN VIỆT NAM, TẠO BẢN SẮC VÀ GIỮ GÌN KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG
Căn cứ Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 07 tháng 02 năm
2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc
nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển
khai “Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về
việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc
và giữ gìn kiến trúc truyền thống” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức thực hiện và triển khai có hiệu quả “Chỉ thị
số 4/CT-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng
phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến
trúc truyền thống” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Phát triển quy hoạch, kiến trúc
nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn,
kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự
nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc
tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi
khí hậu nhằm phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
Phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tới các
sở, ngành có liên quan, các địa phương về thực hiện “Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày
07 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy
hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống”
hiệu quả, bền vững và đảm bảo công tác quản lý trong lĩnh vực quy hoạch kiến
trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa
X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thường xuyên rà soát, đánh giá việc lập và
thực hiện quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai hiện đại, bền vững, giàu bản sắc.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Quy chế quản lý
kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến
trúc truyền thống; phấn đấu đến năm 2025, các địa phương hoàn thành việc xây dựng
Danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực quy hoạch
kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quy hoạch kiến trúc,
trong đó có quy hoạch kiến trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; số hóa
các công trình kiến trúc có giá trị.
- Các công trình kiến trúc đảm bảo tiêu chí về bảo
vệ môi trường, cân bằng sinh thái; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất
đai, tiết kiệm năng lượng; khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa
phương, ứng dụng được những công nghệ và vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng
phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn.
- Đẩy mạnh phát triển các yếu tố tạo đô thị trên địa
bàn các huyện trên cơ sở tiềm năng của từng khu vực làm cơ sở hình thành các đô
thị nhỏ trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2021 - 2025. Phát triển các điểm dân
cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như điều kiện sống của người dân đô
thị tại các vùng có kinh tế phát triển từ mức trung bình trở lên. Khu vực ven
đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hòa hợp với không gian đô
thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh
lãng phí trong đầu tư trong xây dựng.
2. Định hướng phát triển quy hoạch
kiến trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh
a) Phát triển quy hoạch kiến trúc tại nông thôn cần
đề cao sự tham gia của cộng đồng; chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên
nhiên; bổ sung những chức năng còn thiếu, kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng;
bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng
biệt của mỗi địa phương; phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa
kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
b) Khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc
có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và
điều kiện khí hậu của từng địa phương.
c) Trên nền tảng bảo tồn các di sản kiến trúc cùng
các giá trị cốt lõi tạo lập nên bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc truyền
thống. Sự kết nối hữu cơ giữa các di sản với tổng thể quy hoạch kiến trúc nông
thôn cần được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình phát triển kiến trúc.
d) Bản sắc văn hóa trong kiến trúc phải được bảo tồn,
phát huy phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc điểm địa lý;
phản ánh mối quan hệ với nền kiến trúc hiện đại, ứng dụng những tiến bộ về công
nghệ kỹ thuật; gắn kết khả năng công nghệ, vật liệu, kinh tế của từng địa
phương.
đ) Phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng trong việc
tham gia vào quá trình phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần tạo lập, hoàn thiện
môi trường cư trú tiện nghi và bền vững.
e) Nâng tầm, đổi mới công tác truyền thông, giáo dục
phổ cập nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa thực tiễn, tầm quan trọng
của Định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn.
3. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu
a) Rà soát, đánh giá, nghiên cứu và kiến nghị Trung
ương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế pháp luật về quy hoạch kiến trúc nông
thôn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất đối với các văn bản pháp luật liên quan,
cụ thể như tham gia góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Nhà ở
(sửa đổi); Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2050; Thông tư hướng dẫn về Quy hoạch chung xây dựng xã (sửa đổi)
phù hợp với tình hình thực tiễn.
b) Tiếp tục triển khai Luật Kiến trúc; Quyết định số
1037/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế
hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc; Định hướng phát triển kiến trúc Việt
Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19 tháng
7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Hoàn thành việc đánh giá và triển khai xây dựng
Danh mục công trình kiến trúc có giá trị; có giải pháp phù hợp lưu trữ, trưng
bày các giá trị, bản sắc kiến trúc tại địa phương.
d) Đổi mới và hoàn thiện công tác quy hoạch xây dựng
và quản lý kiến trúc nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo trên
địa bàn tỉnh.
đ) Ưu tiên nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong
kiến trúc; các công nghệ kỹ thuật xây dựng theo xu hướng bền vững, công trình
xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, tiên tiến, hiện đại.
e) Thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng và áp dụng mẫu
thiết kế kiến trúc cho các công trình công cộng và nhà ở tại nông thôn, đảm bảo
yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; thi tuyển kiến
trúc mẫu công trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bảo đảm cho người dân có
điều kiện tiếp cận, lựa chọn công trình kiến trúc an toàn, hiệu quả, hợp lý.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Xây dựng
a) Tổ chức xây dựng các chương trình, Kế hoạch của Ủy
ban nhân dân tỉnh để thực hiện định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông
thôn Việt Nam trên địa bàn tỉnh, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
b) Hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Long Khánh đẩy nhanh tiến độ lập Quy chế quản lý kiến trúc các điểm
dân cư nông thôn.
c) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện Chương trình về nhà ở nông thôn trên địa bàn tỉnh.
d) Tổng hợp và báo cáo định kỳ đánh giá 6 tháng,
hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị về
Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà
soát các quy định, chính sách tài chính về đất đai... thuộc chức năng nhiệm vụ
được giao đảm bảo tính khả thi, minh bạch, ổn định và lâu dài.
3. Cục thuế tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà
soát các quy định về chính sách thuế liên quan đến tài sản theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm
tra, đánh giá việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ
đạo, tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù
hợp với điều kiện địa phương; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về hạn chế
rác thải nhựa.
c) Tham mưu Ủy ban ban nhân dân tỉnh trong việc góp
ý Luật Đất đai sửa đổi đảm bảo đồng bộ, thống nhất với với các pháp luật liên
quan về quy hoạch.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung
về giữ gìn và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn
trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện bộ tiêu chí quốc
gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố Long Khánh tiếp tục thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về
xã nông thôn mới.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy các
giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2021-2025.
b) Phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, tổ chức
liên quan xây dựng chương trình triển khai thực hiện Định hướng và hướng dẫn việc
bảo tồn phát huy giá trị các công trình kiến trúc hoặc quần thể kiến trúc có
giá trị tiêu biểu về kiến trúc.
c) Phối hợp với các sở, ban ngành hướng dẫn địa
phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch
nông thôn gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
7. Ủy ban nhân dân các huyện
a) Tổ chức triển khai kế hoạch và thực hiện Định hướng
phù hợp với điều kiện địa phương.
b) Tập trung chỉ đạo trong công tác lập, thực hiện
quy hoạch, quản lý kiến trúc trên địa bàn do mình quản lý.
c) Cần xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất, chức
năng của khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn trong đồ án
quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Văn bản số
2307/BXD-QHKT ngày 27 tháng 6 năm 2022 về việc hướng dẫn Bộ tiêu chí quốc gia về
nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025.
d) Nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn
theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị
hóa và phát triển kinh tế. Nghiên cứu quy hoạch bố trí các điểm dân cư nông
thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp dịch vụ và phát triển đô thị ở các
vùng.
đ) Quy hoạch, bảo tồn và phát triển các hệ sinh
thái nước mặt phục vụ mục tiêu thoát nước, kết hợp xử lý nước thải, tạo cảnh
quan, vui chơi giải trí và các hoạt động khác.
e) Cân đối vốn ngân sách địa phương để thực hiện
các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; tiếp tục tuyên truyền, giải
thích, vận động để người dân hiểu rõ và hưởng ứng tham gia các chính sách, đặc
biệt là việc người dân tự nguyện vay vốn để làm nhà ở; đồng thời phải kết hợp,
lồng ghép các chương trình giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở của các tổ chức, doanh nghiệp,
các nhà hảo tâm trên địa bàn vào chương trình hỗ trợ chung để đảm bảo sự hỗ trợ
công bằng, nhất quán, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở của người dân.
g) Chủ động triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự
án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và kịp thời kiến nghị những khó
khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương để Ủy ban nhân dân tỉnh
tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh trong thời gian tới.
h) Tổ chức nghiên cứu, khảo sát đánh giá và quy định
nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc điểm
dân cư nông thôn phù hợp với địa bàn mình quản lý, đảm bảo mục tiêu phát triển
quy hoạch, kiến trúc nông thôn Việt Nam phù hợp với Luật Kiến trúc, Định hướng
phát triển kiến trúc Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan.
i) Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về
chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các chính sách có liên quan nhằm
nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội
dung quy hoạch xây dựng và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch xây dựng
cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch.
k) Rà soát, quy hoạch, bố trí và xây dựng, cải tạo
các trạm trung chuyển đảm bảo đến năm 2025 tất cả các trạm trung chuyển phải
đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và vệ sinh môi trường.
l) Không để phát sinh các bãi rác tạm, các điểm tập
trung, trung chuyển rác thải tự phát và tình trạng chôn lấp, đốt chất thải rắn
sinh hoạt không đúng quy định.
m) Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo về thực hiện Định
hướng, Kế hoạch gửi Sở Xây dựng để quản lý, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch triển khai “Chỉ thị số
4/CT-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng
phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến
trúc truyền thống” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Quá trình triển khai thực hiện
có khó khăn, vướng mắc, các sở ngành và địa phương kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh (qua Sở Xây dựng) xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Bộ Xây dựng (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện;
- Chánh, Phó Chánh Văn phòng (KTN);
- Lưu: VT, KTN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Tấn Đức
|