Kế hoạch 12885/KH-BGTVT năm 2016 về tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 12885/KH-BGTVT
Ngày ban hành 01/11/2016
Ngày có hiệu lực 01/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Đình Thọ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12885/KH-BGTVT

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới công tác kiểm soát tải trọng (KSTT) phương tiện cần được tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn một cách bền vững tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ.

2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KSTT phương tiện, từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các lái xe, chủ xe, chủ hàng và doanh nghiệp; coi nhiệm vụ KSTT phương tiện nhằm góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan nhà nước có chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp.

3. Thiết lập môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh, có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải.

4. Việc KSTT phương tiện phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh, chính xác, hiệu quả và không gây cản trở, ùn tắc giao thông. Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

- Rà soát, tổ chức lại việc ký cam kết không chở hàng quá trọng tải, không xếp hàng hóa lên xe quá trọng tải cho phép của các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp đầu nguồn hàng; doanh nghiệp nào chưa ký thì yêu cầu phải ký cam kết, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết đã ký;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KSTT phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.

2. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện

- Khẩn trương hoàn thiện, ban hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trong đó có thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe), việc cung cấp và sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) phục vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

- Tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc KSTT phương tiện, xếp hàng hóa lên phương tiện giao thông để kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất kế hoạch sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu của công tác KSTT phương tiện; chú trọng đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) trên đường bộ;

- Nghiên cứu bổ sung quy định từ chối phục vụ đối với phương tiện vi phạm về tải trọng khi lưu thông trên đường bộ trên cơ sở quy định của Luật Giao thông đường bộ.

3. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện

- Triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

- Tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực đầu nguồn hàng, những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép (như: kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô, công trường xây dựng); triển khai KSTTX lưu động và đột xuất tại những đoạn đường bộ khi xuất hiện tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông;

- Duy trì công tác KSTTX trên hệ thống đường bộ tại các Trạm KTTTX lưu động, cố định, các Tổ KSTTX lưu động, các vị trí có lắp đặt thiết bị cân KTTTX của đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thuộc các dự án BOT, đường cao tốc;

- Tiến hành kiểm tra, rà soát, hướng dẫn việc lắp đặt, kiểm định, sử dụng, độ chính xác, tính kết nối đối với hệ thống thiết bị cân KTTTX đặt tại các trạm thu phí BOT và đặt độc lập trên đường bộ, để phục vụ việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm quá tải trọng;

- Kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Trạm KTTTX lưu động phù hợp với điều kiện về lực lượng và tình hình xe quá tải trên địa bàn của địa phương;

- Các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp KSTTX theo Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh về việc “Phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại Trạm KTTTX lưu động”;

- Lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT), Công chức thanh tra phối hợp với các lực lượng Cảnh sát (Cảnh sát QLHC về TTXH, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát khu vực, Công an xã) thực hiện công tác KSTTX theo Quy chế số 5425/QC-LN ngày 24/9/2015 về việc “Phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và Tổng cục Cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT và bảo vệ KCHTGT đường bộ”.

4. Công tác quản lý các hoạt động vận tải

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT (như: Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngày 21/10/2013 quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, Thông tư số 83/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia...).

5. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong KSTTX

- Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thiết bị cân KTTTX theo hướng tự động, giảm sự tác động của con người vào quá trình phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm, cân KTTTX và chuyển kết quả cho lực lượng chức năng làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính (trong đó có “phạt nguội”);

- Kết nối đường truyền và cung cấp trực tuyến các dữ liệu liên quan của phương tiện (do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý) cho các cơ quan chức năng để phục vụ việc KTTTX và xác định vi phạm.

[...]