Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2014 về phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2015

Số hiệu 126/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2014
Ngày có hiệu lực 26/08/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Thanh Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 26 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÁT TRIỂN CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC TIÊN TIẾN GẮN VỚI VÙNG CHUYÊN CANH, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2014 - 2015

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC TIÊN TIẾN GẮN VỚI VÙNG CHUYÊN CANH, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN

I. Thực trạng tình hình hoạt động của các Hợp tác xã, tổ hợp tác

Đến thời điểm ngày 01/6/2014, toàn tỉnh có 180 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) và 973 tổ hợp tác (THT). Trong 180 HTX có 141 được đánh giá, phân loại (tốt: 16 HTX; khá: 56 HTX; trung bình: 55 HTX; yếu 14 HTX), còn lại 39 HTX không phân loại do ngưng hoạt động, làm thủ tục giải thể, mới thành lập, riêng THT có 190/973 tổ được đánh giá hoạt động có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho các tổ viên, người lao động trong THT.

Nhằm đẩy mạnh sản xuất với tiêu thụ, tỉnh chọn 14 HTX và 02 THT để xây dựng củng cố phát triển thành 16 HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản. Thực trạng hoạt động của các đơn vị này như sau:

- Tổng số thành viên tham gia HTX là 2.211 thành viên, bình quân 158 thành viên/HTX. Tổng số tổ viên tham gia THT là 90 tổ viên, bình quân 45 tổ viên/THT.

- Tổng vốn điều lệ của các HTX là 9.881 triệu đồng; trong đó vốn thực tế đã góp là 9.496 triệu đồng, chiếm 97%. Trong 02 THT chỉ có 01 THT có góp vốn (THT xoài VietGAP xã Tân Thuận Tây thành phố Cao Lãnh) với số tiền 79 triệu đồng.

- Về cơ sở vật chất: Có 05/16 HTX, THT có trụ sở làm việc với tổng diện tích là 918 m2; 03 HTX, 01 THT có nhà sơ chế (HTX Quít hồng huyện Lai Vung, HTX Rau Long Hòa huyện Hồng Ngự, HTX SX&TT Xoài Mỹ Xương huyện Cao Lãnh và HTXNN Tân Cường huyện Tam Nông). Có 4/16 HTX, THT có máy vi tính, trong đó có 03 HTX kết nối với Internet.

- Về trình độ học vấn của cán bộ quản lý: Trong 13 HTX có 13 cán bộ có trình độ Đại học, 09 cán bộ có trình độ trung cấp, 32 cán bộ trình độ học vấn phổ thông trung học, 16 cán bộ trình độ học vấn cấp trung học cơ sở; ở 02 THT có 01 cán bộ trình độ Đại học, 01 cán bộ trình độ trung cấp, 06 cán bộ trình độ học vấn phổ thông trung học.

- Về hiệu quả hoạt động, trong 14 mô hình HTX, 02 THT có:

+ 02 HTX/14 HTX xếp loại tốt, được đánh giá là hoạt động có hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho bà con thành viên, góp phần vào các hoạt động công ích địa phương là: HTX Tân Bình xã Tân Bình huyện Thanh Bình; HTXNN Tân Cường xã Phú Cường và 01 HTX xếp loại khá là HTXNN Tân Tiến xã Phú Đức huyện Tam Nông. Cụ thể, trong năm 2013 cả 03 HTX đều hoạt động kinh doanh có lãi và chia lãi cho các thành viên với tổng lãi 2.015 triệu đồng.

+ 03 HTX và 01 THT hoạt động trung bình là HTX Sản xuất tiêu thụ xoài Mỹ Xương và HTX NN Thuận Phong, HTX Rau an toàn huyện Hồng Ngự và THT Xoài VietGAP xã Tân Thuận Tây.

+ 03 HTX được đánh giá hoạt động chưa hiệu quả là HTX Hoa - kiểng Tân Quy Đông, HTX Tôm càng xanh Phú Thành và HTX Sen Gò Tháp. Loại hình hoạt động của các HTX còn đơn điệu, thiếu quan tâm mở rộng quy mô SXKD, HTX chỉ hoạt động cầm chừng, địa phương đang cng cố lại; kết quả sản xuất kinh doanh qua các năm chỉ đạt mức trung bình, yếu.

+ Còn lại 05 HTX và 01 THT mới thành lập nên chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động, (Riêng HTX Thủy sản Phú Thuận B vừa củng cố và đi vào hoạt động tháng 6/2014).

- Về xây dựng thương hiệu nông sản: Đến thời điểm hiện tại có 05/16 HTX, THT đã xây dựng được thương hiệu gồm: HTXNN Tân Cường với thương hiệu lúa VietGAP, HTX Xoài Mỹ Xương thương hiệu Xoài GlobalGap, HTX Tân Bình và HTX Thuận Phong với thương hiệu ớt và HTX Quýt hồng Lai Vung với thương hiệu Quýt hồng Lai Vung.

- Về liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa: có 5/16 HTX, THT đã có liên kết tiêu thụ gồm: HTXNN (Tân Cường, Tân tiến, Tân Bình, HTX Xoài Mỹ Xương và HTX chăn nuôi heo Phú Bình xã Phú Long- Châu Thành).

(Chi tiết kèm theo biểu 01, 02).

(Chi tiết thực trạng HTX, THT xem phụ lục 05).

II. Về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, THT

Trong thời gian qua, Trung ương cũng như tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách, các chương trình hỗ trợ phát triển HTX, THT về đào tạo cán bộ; phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển HTX; áp dụng khoa học và công nghệ; tiếp thị và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Tỉnh, đã hỗ trợ đầu tư 1,4 tỷ đồng thực hiện 22 mô hình phát triển sản xuất, đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp các HTX, THT có thêm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách còn một số bất cập như sau:

Thứ nhất: Chính sách hỗ trợ thành lập mới hỗ trợ các khoản về thông tin, tư vấn kiến thức, tư vấn xây dựng điều lệ và hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc thành lập. Khoản kinh phí hỗ trợ này được chi hỗ trợ sau khi HTX được thành lập và được cấp có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh cho nên có nhiều khó khăn cho “buổi đầu” khởi nghiệp.

Thứ hai: Về chính sách đất đai, theo quy định tại Nghị định 88/2005, các HTXNN có nhu cầu sử dụng đất xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ phục vụ thành viên sản xuất được giao đất không thu tiền sử dụng đất; tuy nhiên chính sách này có thêm quy định “UBND tỉnh căn cứ quỹ đất của địa phương xem xét”. Vì vậy, thực tế chính sách này khó thực hiện do quỹ đất công trên địa bàn hầu như không còn nên HTX, THT phải mua đất.

Thứ ba: Thực hiện Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đa số các HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do phải chứng minh được mình có khả năng tài chính (vốn điều lệ thực); tài sản cố định (đất đai, nhà xưởng); Thiếu những tiêu chí trên thì ngân hàng không thể làm thủ tục cho các HTX vay; Trong khi đó, phần lớn các HTX đang hoạt động kém hiệu quả do thiếu vốn và không có tài sản cố định.

Thứ tư: Về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, tập huấn nâng cao kiến thức cho các HTX, THT chủ yếu lồng ghép từ các chương trình, chưa có nguồn vốn ngân sách riêng để hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho các HTX, THT nên chưa mạnh đủ thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển.

III. Đánh giá chung

[...]