Kế hoạch 123/KH-UBND năm 2021 khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 123/KH-UBND
Ngày ban hành 14/05/2021
Ngày có hiệu lực 14/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 14 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHAI THÁC, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THIẾT CHẾ VĂN HÓA NHÀ HÁT TỈNH GIAI ĐOẠN 2021- 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị, Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tri số 25-TT/TU ngày 24/8/2020, Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 07/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Nhà hát tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định rõ nhiệm vụ và các giải pháp để khai thác, phát huy có hiệu quả công năng sử dụng, ý nghĩa văn hóa, xã hội của thiết chế văn hóa Nhà hát tỉnh.

- Xây dựng Nhà hát tỉnh trở thành trung tâm tổ chức sự kiện chính trị của tỉnh, nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; một không gian văn hóa, nghệ thuật, điểm đến của khách du lịch; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc, gắn với phát triển du lịch của tỉnh; góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí của nhân dân.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch phải bám sát và gắn liền với việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp trên và của tỉnh liên quan đến hoạt động phát triển văn hoá, nghệ thuật, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Xác định rõ nội dung các nhiệm vụ thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị Nhà hát Nghệ thuật tỉnh và phù hợp với công năng của công trình Nhà hát tỉnh, để tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ yêu cầu đề ra.

- Ngoài việc sử dụng Nhà hát tỉnh phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của Nhân dân, Nhà hát có thể được sử dụng cho các cá nhân, tổ chức thuê để tổ chức các hoạt động văn hóa khác. Việc cho thuê Nhà hát tỉnh phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP

1. Tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân

Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân (miễn phí), từng bước tạo ra một không gian, địa điểm hoạt động văn hoá nghệ thuật quen thuộc, khẳng định công năng, giá trị cốt lõi của công trình Nhà hát tỉnh.

- Số lượng buổi biểu diễn: 01 buổi/tuần; 52 buổi biểu diễn/năm; Thời lượng: Từ 60 phút đến 90 phút/buổi biểu diễn.

- Thời gian biểu diễn: Các ngày thứ Bảy, chủ Nhật hoặc ngày Lễ.

- Địa điểm: Khán phòng T1 hoặc trước cửa Nhà hát tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Nhà hát nghệ thuật Vĩnh Phúc.

- Nội dung biểu diễn: Công diễn, biểu diễn các chương trình ca múa nhạc, vở diễn sân khấu, tiểu phẩm, trích đoạn đặc sắc, nội dung truyền thống và hiện đại, đặc biệt là xoay quanh các vấn đề của đời sống xã hội. Kết hợp tổ chức giao lưu, tương tác nghệ thuật giữa nghệ sỹ với Nhân dân.

- Giải pháp thực hiện:

+ Đầu tư dàn dựng mới các chương trình nghệ thuật; vở diễn, trích đoạn, tiểu phẩm sân khấu đảm bảo chất lượng; Liên kết, phối hợp với các tổ chức, cá nhân dàn dựng, thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc phục vụ nhân dân; giao lưu, hợp tác với các đoàn nghệ thuật trong nước, quốc tế nâng cao năng lực, kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật.

+ Xây dựng các chương trình, tiết mục, vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch, kịch hát dân tộc, ca múa nhạc tổng hợp…, đảm bảo tính truyền thống và hiện đại; dàn dựng mới từ 03 đến 05 chương trình nghệ thuật tổng hợp, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu nghệ thuật của nhân dân để biểu diễn tại Nhà hát tỉnh.

+ Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có như: Cơ sở vật chất đã được đầu tư trang bị tại công trình Nhà hát và nguồn nhân lực là đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên của tỉnh.

+ Tổ chức đa dạng các chương trình văn hóa nghệ thuật, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đông đảo nhân dân, đến xem và tham gia chương trình.

+ Gắn chức năng, nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm của đơn vị Nhà hát Nghệ thuật tỉnh trong việc kết hợp hiệu quả giữa biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân với việc khai thác, phát huy hiệu quả của công trình Nhà hát (công trình đang được giao cho đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng).

+ Tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và thẩm mỹ của người xem, đặc biệt quan tâm đến đối tượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

[...]