Kế hoạch 1124/KH-UBND năm 2022 triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 1124/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2022
Ngày có hiệu lực 24/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đặng Trí Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1124/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 24 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DÂN CA, DÂN VŨ, DÂN NHẠC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Thực hiện Quyết định số 3404/QĐ-BVHTTDL ngày 22/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Triển khai có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”; đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS), khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc.

- Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào các dân tộc trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương.

- Trong quá trình bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống cần có sự tiếp thu, đổi mới, phát triển, đồng thời phải đảm bảo gìn giữ được những đặc điểm cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào DTTS trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa.

2. Yêu cầu:

- Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

- Trong quá trình bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống cần có sự tiếp thu, đổi mới, phát triển, đồng thời phải đảm bảo gìn giữ được những đặc điểm cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào các dân tộc trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa.

- Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2021-2025:

- Lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS.

- Các nghệ nhân về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Phấn đấu 50% thôn, buôn, tổ dân phố vùng đồng bào DTTS còn lưu giữ loại hình trình diễn dân gian gồm dân ca, dân vũ, dân nhạc có đội văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

- Phấn đấu từ 20% - 40% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng gắn với phát triển du lịch.

- Hướng dẫn, hỗ trợ từ 2 - 5 mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương.

- Các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào DTTS duy trì hoạt động ít nhất 01 câu lạc bộ/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch (chuyên trách của khu, điểm du lịch hoặc cộng tác với cộng đồng đồng bào DTTS).

- Phấn đấu 70% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào DTTS được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS.

- Đề xuất từ 3 đến 5 nghệ nhân là người DTTS đủ điều kiện xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

- Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, đẩy mạnh quảng bá giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc trong nước và quốc tế.

- Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu số về dân ca, dân vũ dân nhạc các DTTS để lưu trữ và giới thiệu, quảng bá hình ảnh của di sản góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

2. Giai đoạn 2026 - 2030:

[...]