Kế hoạch 11/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án số 19: "Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020" Khối các cơ quan hành chính nhà nước

Số hiệu 11/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2016
Ngày có hiệu lực 11/01/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 11/KH-UBND

Lào Cai, ngày 11 tháng 01 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SỐ 19: "ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020" KHỐI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước 2011 - 2020 và Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/11/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về 4 chương trình công tác, 19 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có Đề án số 19-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về: "Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020".

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về: "Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020" - Khối các cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể như sau:

A/ MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. Mục tiêu chung

Đến năm 2020, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt, có tính chuyên nghiệp cao, thực sự là nền hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trọng tâm cải cách hành chính của tỉnh Lào Cai trong cả giai đoạn 2016 - 2020 là: Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống quản lý công vụ, công chức theo hướng khoa học, lấy năng lực và kết quả công việc làm thước đo để tuyển dụng, sử dụng công chức; hình thành chính quyền điện tử và đảm bảo cung ứng ngày càng tốt hơn dịch vụ công có chất lượng cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

II. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

1. Thể chế hành chính được đảm bảo tính thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Bảo đảm 100% văn bản QPPL phải được ban hành đúng căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

2. Hệ thống thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công khai và nâng cao chất lượng giải quyết trong tất cả các lĩnh vực. Bảo đảm 100 % văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định đời sống xã hội của nhân dân, vừa đáp ứng hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, vừa thuận lợi cho tổ chức, công dân trong việc tiết kiệm hợp lý chi phí giải quyết thủ tục hành chính.

3. Cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ tại 100% cơ quan hành chính nhà nước cả 3 cấp; triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm quyền phối hợp của nhiều cơ quan hành chính nhà nước với nhau.

Lấy mức độ hài lòng của công dân, tổ chức làm thước đo về chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công của tỉnh.

4. Chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong bộ máy hành chính được xác định phù hợp, tránh chồng chéo, trùng lắp, chuyển những việc không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhận.

- Xây dựng các chỉ số và phương pháp đánh giá chất lượng dịch vụ công.

5. Cơ chế và quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý ngân sách tiếp tục được cải cách và triển khai trên diện rộng, chất lượng dịch vụ công từng bước được nâng cao, nhất là trên các lĩnh vực giáo dục, y tế.

6. Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có số lượng, cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn về trình độ và năng lực thi hành công vụ theo vị trí chức danh. Hệ thống quản lý công vụ của tỉnh được tổ chức theo nguyên tắc lấy năng lực và tính chuyên nghiệp cao làm nền tảng để phát triển. Có cơ chế phù hợp trong bố trí và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng; cơ chế đề bạt, bổ nhiệm cạnh tranh vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý; cơ chế trả thu nhập và khen thưởng theo kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát và xử lý nghiêm các hành vi trái pháp luật, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

7. Về hiện đại hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đến năm 2020:

- 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện có mạng LAN đạt chuẩn, nâng cao an toàn an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước và trung tâm thông tin của tỉnh, từng bước triển khai đến cấp xã.

- 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện; 30% cấp xã sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc và hệ thống thư điện tử của tỉnh.

- Trên 50 % các cuộc họp của tỉnh, các sở, ngành với các huyện, thành phố được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến.

- 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến huyện, từng bước đến cấp xã sử dụng chữ ký số phục vụ giao dịch, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử. Hầu hết văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử. Tăng cường xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trọng điểm phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng như ứng dụng CNTT trong quản lý giao thông, hạ tầng đô thị, điện, nước, y tế, giáo dục...

- Triển khai ứng dụng phần mềm dùng chung cho bộ phận một cửa hiện đại tới tất cả các sở, ngành và UBND các huyện thành phố; 20% các xã, phường, thị trấn được ứng dụng phần mềm.

- Nâng cấp và phát triển Hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh, 15% các xã, phường, thị trấn có cổng thông tin giao tiếp với người dân.

- Chú trọng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 5% dịch vụ công cơ bản, thiết yếu được cung cấp trực tuyến mức 3, mức 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT, nâng cao kiến thức kỹ năng về an toàn an ninh thông tin. 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách về CNTT.

- Từng bước xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung: dân cư, kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, lao động việc làm, doanh nghiệp, thông tin địa lý… để làm nền tảng phục vụ công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin lên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ