Kế hoạch 108/KH-UBND năm 2017 về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2017-2020

Số hiệu 108/KH-UBND
Ngày ban hành 07/11/2017
Ngày có hiệu lực 07/11/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-UBND

Cà Mau, ngày 07 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2017 - 2020 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG

Thời gian qua, hệ thống đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã từng bước được đầu tư xây dựng, các dự án quy hoạch phát triển đô thị, hạ tầng giao thông tại các huyện, thành phố Cà Mau đã được xây dựng và phê duyệt, góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội; các tuyến đường, công trình công cộng đã hình thành đưa vào sử dụng n định, đa số đều được đặt tên, góp phần đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa xã hội; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; tên đường và công trình công cộng được đặt và sử dụng ngày càng quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của các tầng lớp nhân dân Cà Mau.

Tuy nhiên, việc đặt tên đường và công trình công cộng thời gian qua chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa và phát triển của hệ thống giao thông. Nhiều tuyến đường, công trình công cộng được xây dựng hoàn chỉnh, cũng như đã có quy hoạch xây dựng nhưng chưa được đặt tên hoặc dự kiến đặt tên; một số tên không còn tương xứng với quy mô của đường hoặc bất hợp lý về độ dài, ngắn, nhưng chậm được sửa đổi; việc sử dụng các địa danh, sự kiện lịch sử, danh nhân, anh hùng... tại chỗ đđặt tên đường và công trình công cộng cho địa phương còn ít.

Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các địa phương chậm xây dựng kế hoạch đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng, gắn với xây dựng Ngân hàng tên đường; chưa đưa việc đặt tên, đổi tên đường trở thành việc làm thường xuyên, nề nếp, khoa học, chưa đáp ứng kịp thời tiến trình đô thị hóa.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Cà Mau có 201 tuyến đường tại các phường, thị trấn của 08 huyện và thành phố Cà Mau được đặt tên, trong đó nhiều nhất là thành phố Cà Mau (có 127 tuyến đường), ít nhất là huyện Trần Văn Thời và huyện Ngọc Hiển. Các tuyến đường được đặt tên đều do cấp thẩm quyền của tỉnh quyết định (trước năm 2005 do UBND tỉnh quyết định; từ năm 2007 đến nay do HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết); riêng huyện Đầm Dơi do UBND huyện quyết định đặt tên 26 tuyến đường (năm 2007), hiện đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh đặt lại tên (giữ nguyên theo tên đã đặt).

2. Đối với công trình công cộng như cầu giao thông, trường học, chợ, công viên... hầu hết đều do cấp huyện đặt tên theo cách gọi quen thuộc của nhân dân hoặc gắn với địa danh, lịch sử, sự kiện, nhân vật tiêu biểu. Riêng thành phố Cà Mau có 03 công trình cầu giao thông, 01 công viên do UBND tỉnh quyết định đặt tên (năm 1999), 01 công viên được Nghị quyết HĐND tỉnh đặt tên (năm 2007).

3. UBND tỉnh đã có 03 quyết định phê duyệt danh mục ngân hàng tên đường (năm 2012, 2014, 2015) với tổng số 248 tên gọi các danh nhân, nhân vật tiêu biểu, sự kiện, địa danh lịch sử.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

1. Mục đích, yêu cầu

- Nhằm thực hiện đúng Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau; góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân địa phương thuận lợi trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.

- Tạo cơ sở khoa học, logic và sự chủ động định hướng sát thực tiễn trong tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2017 - 2020.

- Công tác đặt, đổi tên đường phải được tiến hành đồng bộ, đảm bảo tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài; nhân vật được chọn đặt, đổi tên đường phải thật sự tiêu biểu, rõ ràng, tương xứng với quy mô tuyến đường, công trình công cộng và tiến hành đúng quy trình, đúng tiến độ, thẩm quyền.

- Xác định rõ số lượng tên đường và công trình công cộng đủ điều kiện đặt tên trên từng địa bàn đô thị của các huyện, thành phố trong tỉnh; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành tỉnh có liên quan với UBND các huyện, thành phố Cà Mau trong tổ chức thực hiện.

2. Nội dung thực hiện

Từ thực trạng và kết quả nêu trên, để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, trên cơ sở kế hoạch dự kiến của các huyện, thành phố Cà Mau, giai đoạn 2017 - 2020, kế hoạch tập trung các nội dung chủ yếu như sau:

2.1. Rà soát, bổ sung danh mục ngân hàng tên đường trên địa bàn tỉnh

Rà soát, nghiên cứu tiểu sử các danh nhân, anh hùng dân tộc, các nhà hoạt động cách mạng, các anh hùng liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các sự kiện chính trị, lịch sử... tiêu biu, có nhiều công lao trong sự nghiệp dựng nước, bảo vệ và xây dựng đất nước; các địa danh tiêu biểu, có ý nghĩa về lịch sử, gắn bó với nhân dân để bổ sung vào danh mục ngân hàng tên đường và công trình công cộng của tỉnh, nâng số lượng từ 350 đến 400 tên gọi.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.

- Đơn vị thực hiện:

+ UBND các huyện, thành phố Cà Mau đề xuất trình Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng cấp tỉnh (gọi tắt là Hội đồng tư vấn cấp tỉnh).

+ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thường trực Hội đồng tư vấn cấp tỉnh): Tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.

[...]