Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2023 thực hiện Quyết định 356/QĐ-BGDĐT về phê duyệt Dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 101/KH-UBND
Ngày ban hành 27/03/2023
Ngày có hiệu lực 27/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 27 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 356/QĐ-BGDĐT NGÀY 03/02/2023 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỌC ĐẾN NĂM 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-BGDĐT ngày 03/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” (gọi tắt là Dự án PCMT), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh , như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao về kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh (gọi chung là các nhà trường).

2. Yêu cầu

- Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm thành viên nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài nhà trường;

- Phối hợp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chung tay tham gia công tác PCMT nhằm tạo ra phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh và xây dựng cơ chế phòng vệ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh;

- Sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập vào nhà trường, góp phần làm giảm số người nghiện, người sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh.

- 100% đơn vị xác định được thực trạng công tác PCMT trong nhà trường (ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân hạn chế); hiệu quả của việc tuyên truyền giáo dục PCMT cho các thành viên trong nhà trường;

- 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về PCMT với các hình thức, nội dung phù hợp với đơn vị;

- 90% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được trang bị kiến thức và kỹ năng PCMT để có đủ năng lực thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục PCMT trong giảng dạy chính khóa, hoạt động trải nghiệm và giải quyết các vướng mắc liên quan đến ma túy cho học sinh, sinh viên;

- 100% các nhà trường thành lập Ban Chỉ đạo PCMT thực hiện thường xuyên gắn với nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động của nhà trường theo từng năm học; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải đáp thắc mắc phù hợp, kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác PCMT trong trường học.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo

- Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường kiện toàn Ban Chỉ đạo PCMT;

- Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về PCMT trong trường học và phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCMT trong trường học.

2. Tổ chức nắm bắt thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan để thực hiện việc điều tra, khảo sát thống kê danh sách thành viên có liên quan đến tệ nạn ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật;

- Nhà trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát hiện sớm những trường hợp có dấu hiệu hoặc nguy cơ liên quan đến ma túy để tư vấn, giúp đỡ kịp thời;

- Đánh giá thực trạng công tác PCMT của nhà trường thông qua các hình thức như: kiểm tra thực tế, công tác quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh qua các kênh thông tin, mạng xã hội, dư luận có liên quan;

- Thực hiện thống kê, báo cáo theo định kỳ, báo cáo đột xuất về công tác PCMT và biện pháp xử lý thành viên nhà trường liên quan đến tệ nạn ma túy.

3. Tổ chức truyền thông phòng, chống ma túy trong nhà trường

- Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCMT trong nhà trường cho các thành viên nhà trường, cụ thể:

+ Xây dựng kế hoạch truyền thông PCMT cho các thành viên trong nhà trường;

+ Tổ chức tuyên truyền trên Website, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, các ứng dụng mạng xã hội như (Facebook, Zalo…);

+ Phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn, hàng năm tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCMT, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người học; định kỳ một năm 02 lần phối hợp tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin chuyên đề về PCMT cho người học tại nhà trường;

[...]