Kế hoạch 09/KH-UBND thực hiện Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ giải pháp triển khai khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 22/04/2010
Ngày có hiệu lực 22/04/2010
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Phạm Biên Cương
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Long Xuyên, ngày 22 tháng 4 năm 2010

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa X), Thông báo kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về khoa học và công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 và đặc biệt là Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 13/11/2009 của BCH Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện kết luận số 234-TB/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tăng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trong tĩnh nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế; tập trung xây dựng một nền khoa học và công nghệ thực sự là động lực đưa An Giang cơ bản trở thành một tỉnh nông, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế An Giang như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến nông thủy sản, công nghệ thông tin-truyền thông, công nghệ cơ khí và chế tạo máy, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, trong đó công nghệ sinh học là công nghệ mũi nhọn của tỉnh để tạo ra các sản phẩm có giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Bảo đảm cung cấp luận chứng và luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các giải pháp để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập nền kinh tế trong nước và quốc tế.

- Tạo bước chuyển biến cơ bản về năng lực, trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong tỉnh; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, đủ sức tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển. Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại nhằm phát triển mạnh tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Để đạt các mục tiêu nêu trên, góp phần thực hiện hiệu quả Thông báo kết luận 234-TB/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 26-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế-xã hội phục vụ an ninh, quốc phòng trong tỉnh.

- Ứng dụng những thành quả nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng, hoạch định chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh đảm bảo phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của các ngành, các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung tuyển chọn, chuyển đổi, nhân rộng các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến để nâng cao chất lượng giống lúa xuất khẩu, cá, giống bò, tôm và một số rau màu chủ lực có giá trị kinh tế cao để thực hiện tốt chương trình nông nghiệp - nông dân - nông thôn theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng việc phát triển thị trường trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ, ưu tiên ứng dụng, chuyển giao công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thực phẩm, công nghệ vi sinh,... tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiệu quả trong việc xử lý môi trường về rác thải, nước (trong sản xuất nông thủy sản, nước sinh hoạt), không khí... Thu hút, tập trung nguồn lực, đa dạng hoá hình thức đầu tư để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đầu tư đối với hoạt động khoa học và công nghệ nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học. Đẩy mạnh việc xây dựng, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường hoạt động xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn quốc tế.Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tin học hóa quy trình phục vụ lĩnh vực dịch vụ công. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ doanh nghiệp, cơ sở giáo dục - đào tạo, trung tâm xã. Thực hiện tốt vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Tăng cường hoạt động nghiên cứu, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phòng chống lụt bão, sạt lở...

- Triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với đặc thù của từng vùng; ứng dụng, phát triển có hiệu quả công nghệ sinh học và các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản tạo môi trường thuận lợi cho việc gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, giáo dục và đào tạo nhất là đối với mặt hàng chiến lược của tỉnh.

2. Tạo lập thị trường khoa học và công nghệ thông qua việc đẩy mạnh xã hội hóa khoa học và công nghệ. Triển khai chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình phát triển hàng hóa, dịch vụ và chương trình đưa Internet về nông thôn nhằm phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và chính sách phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh. Tăng cường đầu tư tiềm lực và phát triển có chọn lọc các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn. Nâng cao tính tự chủ của các cơ quan nghiên cứu khoa học, thúc đẩy việc hình thành lực lượng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tạo môi trường thuận lợi cho việc gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, giáo dục và đào tạo.

4. Có chính sách mạnh mẽ hơn để thu hút, trọng dụng và phát huy tài năng cán bộ khoa học và công nghệ cả trong và ngoài tỉnh; phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao trong các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh; chính sách khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao; chính sách sử dụng cán bộ nghiên cứu khoa học đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng có khả năng, năng lực chuyên môn tốt, có sức khỏe và tâm huyết với nghề nghiệp; chính sách tổ chức quy hoạch dự nguồn, tạo nguồn cho lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học. Chú trọng khai thác tài sản trí tuệ trong nước và các nước phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với khoa học và công nghệ

- Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải thật sự xem việc phát triển khoa học và công nghệ là một là một trong những nhiệm vụ chính trị then chốt, xem đây là một trong những nội dung lãnh, chỉ đạo chủ yếu của ngành mình, cấp mình trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm và hàng năm.

- Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, đầu tư nghiên cứu khoa học đặc biệt là khoa học ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện, tiềm năng của tỉnh; khoa học xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh; khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

- Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và phân công cán bộ phụ trách có đủ năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực khoa học và công nghệ; đề ra biện pháp, chính sách đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong từng lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân; đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất, đời sống, quốc phòng và an ninh của tỉnh.

2. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh đổi mới tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ

- Hoàn thiện, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

- Thực hiện việc đổi mới cơ chế tài chính của hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng thay cơ chế tài chính hành chính hiện nay bằng cơ chế tài chính sự nghiệp để tạo động lực cho các tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Tập trung xác định, xây dựng và đặt hàng triển khai thực hiện những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh thông qua chương trình đổi mới công nghệ của tỉnh và của Trung ương; thúc đẩy hình thành tổ chức khoa học và công nghệ theo nhiệm vụ trên cơ sở liên kết tổ chức khoa học và công nghệ để tập hợp một cách linh hoạt những cán bộ giỏi, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhất là trên những lĩnh vực trọng yếu, những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp và tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ.

[...]