Hướng dẫn 899/HD-CHK thực hiện Thông tư 61/2011/TT-BGTVT quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không do Cục Hàng không Việt Nam ban hành

Số hiệu 899/HD-CHK
Ngày ban hành 01/03/2013
Ngày có hiệu lực 01/03/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Cục Hàng không Việt Nam
Người ký Lại xuân Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC HÀNG KHÔNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 899/HD-CHK

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2013

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN THÔNG TƯ SỐ 61/2011/TT-BGTVT NGÀY 21/12/2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH VỀ NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG, CƠ SỞ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG VÀ CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TIẾNG ANH NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG

Ngày 21/12/2011 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã ban hành Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không (sau đây gọi tắt là Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT). Để Thông tư được triển khai thực hiện một cách thống nhất, đầy đủ và hiệu quả, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) hướng dẫn một số nội dung chính như sau:

A. KHÁI QUÁT THÔNG TƯ

Kết cấu của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT gồm 5 Chương và 34 Điều; Mục đích cụ thể hoá, hệ thống hoá và hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung quy định tại Điều 68, 69, 70 quy định về “Nhân viên hàng không” của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006. Nội dung chính của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định chi tiết 3 vấn đề chính như sau:

(1) Nhân viên hàng không

(2) Cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không tại Việt Nam

(3) Cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không

B. NỘI DUNG CHÍNH CỦA THÔNG TƯ SỐ 61/2011/TT-BGTVT

I. VỀ NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG

1. Về chức danh nhân viên hàng không (Điều 3)

Điều 68 Chương IV của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) năm 2006 quy định: Nhân viên hàng không là những người hoạt động liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không, hoạt động bay và có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ GTVT cấp hoặc công nhận. Như vậy, tuy cùng làm việc trong một đơn vị của ngành Hàng không Việt Nam, nhưng chỉ có những người hội đủ các yếu tố trên mới được coi là Nhân viên hàng không, còn lại các nhân viên khác được gọi chung là nhân viên ngành hàng không.

Theo đó, Điều 3 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định 14 chức danh nhân viên hàng không, bao gồm:

1. Thành viên tổ lái.

2. Giáo viên huấn luyện bay.

3. Tiếp viên hàng không.

4. Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay.

5. Nhân viên không lưu.

6. Nhân viên thông báo tin tức hàng không.

7. Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không.

8. Nhân viên khí tượng hàng không.

9. Nhân viên điều độ, khai thác bay.

10. Nhân viên thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng.

11. Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không.

12. Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

13. Nhân viên an ninh hàng không.

14. Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.

Lưu ý: Các chức danh nêu trên phù hợp theo nhóm chuyên môn và mỗi nhóm chuyên môn lại bao gồm các vị trí, công việc cụ thể hơn và được quy định chi tiết tại các văn bản chuyên ngành khác có liên quan. Ví dụ:

a) Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 “Quy chế không lưu hàng không dân dụng” ban hành kèm theo Quyết định số 32/2007/QĐ-BGTVT ngày 05/7/2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT thì nhân viên không lưu làm việc ở các vị trí sau:

[...]