Hướng dẫn 819/LĐTBXH-TBLS thực hiện Quyết định 290/TTg và Thông tư liên tịch 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC về chính sách chế độ đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 819/LĐTBXH-TBLS
Ngày ban hành 12/05/2006
Ngày có hiệu lực 12/05/2006
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Sỹ Chính
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

UBND TỈNH QUẢNG NINH
SỞ LAO ĐỘNG - TB&XH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 819/LĐTBXH-TBLS

Hạ Long, ngày 12 tháng 05 năm 2006

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 290/TTG NGÀY 8/11/2005 VÀ THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC NGÀY 7/12/2005 VỀ CHÍNH SÁCH CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG TRỰC TIẾP THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ NHƯNG CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Căn cứ Quyết định 290 và Thông tư số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 7/12/2005 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện QĐ số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước;

Căn cứ Kế hoạch số 1409/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh “về triển khai thực hiện Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ”;

Sau khi thống nhất ý kiến của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và các ngành liên quan về đối tượng và chế độ chính sách thuộc thẩm quyền xét giải quyết của ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

Phần 1.

ĐỐI TƯỢNG VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA NGÀNH LĐTBXH

- Công nhân viên chức Nhà nước.

- Thanh niên xung phong và cán bộ dân chính đảng.

I. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP 1 LẦN ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TRỰC TIẾP THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ NHƯNG CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

1. Đối tượng và điều kiện:

1.1. Đối tượng áp dụng:

Thực hiện như quy định tại tiết 1.1, khoản 1, mục I, phần I của Thông tư số 191/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 7/12/2005.

Cụ thể như sau:

- CNVC nhà nước trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường B, C, K từ ngày 20/7/1954 đến 30/4/1975, về gia đình từ ngày 31/12/1976 trở về trước, chưa được hưởng một trong các chế độ: Phục viên, xuất ngũ, thôi việc, bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng, hưu hàng tháng.

1.2. Đối tượng không áp dụng:

Thực hiện như quy định tại điểm a, b, c, d, tiết 1.2, khoản 1, mục I, phần I của Thông tư số 191/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 7/12/2005.

Cụ thể như sau:

- Những người đã về gia đình sau đó tiếp tục thoát ly mà thời gian tham gia kháng chiến đã được tính hưởng chế độ.

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A, quê ở Yên Hưng, Quảng Ninh có quá trình công tác như sau: Từ tháng 4/1960 đến tháng 7/1960 làm CNVC ở cảng Hải Phòng. Từ tháng 8/1960 đến tháng 1/1973 ông vào chiến trường B công tác. Tháng 2/1973 ông A về gia đình và đến tháng 2/1978 ông thoát ly gia đình tiếp tục công tác ở Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Năm 1995 Ông A đã được tính thời gian tham gia kháng chiến từ tháng 4/1960 đến tháng 1/1973 để hưởng chế độ trợ cấp 1 lần đối với người tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc. Trường hợp nêu trên của ông A không thuộc diện đối tượng áp dụng để giải quyết chế độ theo Thông tư này.

- Những người phản bội, đầu hàng địch, đào ngũ, người vi phạm kỉ luật… người đang chấp hành án tù chung thân hoặc bị kết án một trong các tội về xâm phạm An ninh Quốc gia mà chưa được xóa án tích (tính đến ngày Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành).

- Người ra nước ngoài và ở lại nước ngoài bất hợp pháp.

- Đối tượng đã từ trần nhưng không còn vợ hoặc chồng: bố đẻ, mẹ đẻ; bố nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi.

2. Chế độ được hưởng

2.1. Cách tính thời gian hưởng chế độ:

Thực hiện như quy định tại điểm a, b, c, tiết 2.1, khoản 2, mục I, phần I của Thông tư số 191/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 7/12/2005.

Cụ thể như sau:

- Thời gian tính hưởng là thời gian công tác thực tế trong khoảng từ 20/7/1954 đến 31/12/1976.

[...]