Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Hướng dẫn 7198/HD-UBND năm 2021 về mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng” do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 7198/HD-UBND
Ngày ban hành 12/10/2021
Ngày có hiệu lực 12/10/2021
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7198/HD-UBND

Quảng Nam, ngày 12 tháng 10 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ “GIÁM SÁT VÀ TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TẠI CỘNG ĐỒNG”

Thời gian qua, Tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng” (gọi tắt là Tổ COVID-19 cộng đồng) trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò là cầu nối đích thực, chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành Y tế đến với Nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan chuyên môn triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp (khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly…), góp phần tích cực trong công tác phòng, chống và khống chế dịch bệnh COVID-19, hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định như: chưa có Quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ còn chung chung, chưa quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên; chưa huy động được hết lực lượng cộng tác viên dân số - y tế, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở thôn, bản, khối phố tham gia; số lượng, thành phần Tổ COVID-19 cộng đồng chưa có sự thống nhất giữa các địa phương; chưa được tập huấn các kỹ năng cơ bản về phòng, chống dịch bệnh; kinh phí hoạt động còn hạn chế; dụng cụ, phương tiện bảo hộ phòng, chống dịch bệnh chưa được trang bị đầy đủ, dẫn đến tâm lý e ngại trong việc tiếp xúc, vận động tuyên truyền, nhất là đối với những người có liên quan đến yếu tố dịch tễ.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, hướng đến mục tiêu thống nhất về mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình và tham gia tích cực của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Tổ COVID-19 cộng đồng quy định tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19”; UBND tỉnh ban hành hướng dẫn mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. TÊN GỌI

Thống nhất tên gọi: Tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng”, gọi tắt là “Tổ COVID-19 cộng đồng”

II. MỤC ĐÍCH

Tổ COVID-19 cộng đồng là cầu nối rất quan trọng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp với Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chủ động nắm tình hình cơ sở, kịp thời phát hiện, tham gia truy vết, hỗ trợ cách ly…; giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, hỗ trợ về công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

III. THẨM QUYỀN THÀNH LẬP TỔ COVID-19 CỘNG ĐỒNG

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn chịu trách nhiệm ban hành Quyết định thành lập, kiện toàn, củng cố Tổ COVID-19 cộng đồng ở tất cả các khu dân cư trên địa bàn và chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện trực tiếp về hoạt động của Tổ.

IV. SỐ LƯỢNG, THÀNH PHẦN, QUY MÔ

1. Số lượng: Tối thiểu từ 03 người trở lên nhưng không quá 07 người/Tổ tùy tình hình thực tế của từng khu dân cư.

2. Thành phần: Chi ủy, cán bộ thôn/bản/khối phố, Mặt trận, đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…), cộng tác viên dân số - y tế, dân quân tự vệ, công an viên hoặc lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, tình nguyện viên… Phân công đồng chí Bí thư chi bộ hoặc Phó Bí thư chi bộ làm Tổ trưởng; căn cứ tình hình thực tế của địa phương để phân công Tổ phó và thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng cho phù hợp.

3. Quy mô: Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi Tổ phụ trách từ 40 - 50 hộ gia đình (hoặc theo đơn vị thôn, bản, khối phố) và phân công danh sách hộ gia đình đến từng Tổ.

V. NHIỆM VỤ

1. Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại từng hộ gia đình: Tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày (nếu có điều kiện); vận động người dân tự giác khai báo y tế khi bản thân hoặc người thân trong gia đình có biểu hiện ho, sốt, các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh hoặc đi từ vùng dịch về.

2. Giám sát, phát hiện và báo cáo ngay (bằng điện thoại) cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và Trạm Y tế xã/phường/thị trấn những trường hợp nghi mắc COVID-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt; ho; đau họng; cảm cúm; ốm mệt; viêm đường hô hấp, đau ngực, khó thở... để tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.

3. Phát hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã và cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; người từ vùng dịch trở về chưa khai báo y tế.

4. Tích cực hỗ trợ chính quyền và cơ quan y tế truy vết các trường hợp F1, F2 khi có ca bệnh liên quan ở địa bàn phụ trách; hỗ trợ đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với người dân trong khu vực thiết lập vùng cách ly y tế.

5. Giám sát nghiêm việc cách ly hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú theo quy định.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cấp xã phân công.

VI. QUY TRÌNH HOẠT ĐỘNG

1. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Tổ COVID-19 cộng đồng cho người dân địa bàn phụ trách.

2. Hàng ngày, Tổ COVID-19 cộng đồng thực hiện nhiệm vụ theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; rà soát các hộ gia đình được phân công; thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và giám sát người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo đúng quy định hiện hành.

3. Nếu phát hiện các trường hợp biểu hiện ho, sốt và các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh… thì báo cáo ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và Trạm Y tế xã/phường/thị trấn đến kiểm tra, hỗ trợ cho người dân và phối hợp đưa người dân đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời, bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh.

4. Nếu phát hiện người từ vùng dịch trở về chưa khai báo y tế thì hướng dẫn người dân khai báo y tế theo quy định; đồng thời, báo cho Công an và Trạm Y tế xã/phường/thị trấn biết, xử lý theo quy định.

5. Thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn người dân tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]