Hướng dẫn 3266/HD-GDĐT-VP năm 2020 về công tác thi đua, khen thưởng năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 3266/HD-GDĐT-VP
Ngày ban hành 06/10/2020
Ngày có hiệu lực 06/10/2020
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3266/HD-GDĐT-VP

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 10 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM HỌC 2020 - 2021

Căn cứ Thông tư số 21/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành quy định về công tác thi đua, khen thưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 27/2019/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi Khoản 4, Điều 40 Quy định về công tác thi đua, khen thưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND;

Căn cứ Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phân chia cụm, khối thi đua thuộc Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Công văn số 77/UBND-VX ngày 09 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện một số nội dung về công tác thi đua, khen thưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Công văn số 376/BTĐKT-NV ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố về việc xét, khen thưởng và đề nghị khen thưởng đối với các trường thuộc Khối thi đua giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố;

Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố.

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm học 2020 - 2021, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Công tác thi đua, khen thưởng nhằm tạo động lực động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, hăng hái thi đua “dạy tốt - học tốt”, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục thành phố.

II. NGUYÊN TẮC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

1. Công tác thi đua được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

2. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ kết quả phong trào thi đua; các cá nhân, tập thể phải đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận danh hiệu thi đua; tập thể có cá nhân bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên không được xét thi đua.

3. Khen thưởng phải chính xác, công khai, công bằng và kịp thời trên cơ sở đánh giá đúng hiệu quả công tác của các tập thể và cá nhân; coi trọng chất lượng theo tiêu chuẩn, không gò ép để đạt số lượng. Khen thưởng phải căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là người trực tiếp công tác, giảng dạy, học tập, lao động.

4. Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không tặng thường nhiều hình thức cho một thành tích đạt được. Hình thức khen thưởng theo đợt, chuyên đề không tính làm điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.

5. Các cuộc họp xét danh hiệu thi đua, khen thưởng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đơn vị tham dự. Thành viên không tham dự cuộc họp (vắng có lý do chính đáng) phải được lấy ý kiến sau buổi họp về những nội dung mà Hội đồng đã triển khai và thống nhất.

III. NỘI DUNG

Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố tiếp tục thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhanh chóng hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố.

Với chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, khẩu hiệu hành động “Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”, quán triệt mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình đóng vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020 - 2021, toàn Ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, thực hiện tổt quy chế dân chủ ở cơ sở; kỷ cương, nề nếp, kỷ luật lao động, nội quy, quy chế của nhà trường, đơn vị; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm, tận tâm, yêu thương học sinh, sinh viên, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tác phong mẫu mực mô phạm; tích cực trong học tập, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao mức đạt được trong chuẩn nghề nghiệp, chuẩn cán bộ quản lý; đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” với nội dung trọng tâm “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, phát huy hiệu quả các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển và khuyến khích các giải pháp đổi mới, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả trong giảng dạy và công tác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đề xuất các giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học. Phát động thi đua có chủ đề, chủ điểm, khuyến khích được đông đảo cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu, tập thể có thành tích xuất sắc.

3. Quán triệt đầy đủ nội dung phương hướng, nhiệm vụ của năm học, gắn với triển khai thực hiện 19 Đề án phát triển giai đoạn 2020 - 2025/2030 của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo lần thứ VII, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI;

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục; đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy - học tập, kiểm tra - đánh giá; coi trọng quản lý chất lượng giáo dục. Trong đó, chú trọng tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động tư vấn, trải nghiệm sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống, năng lực giải quyết vấn đề trong thực tế đời sống của học sinh, sinh viên; có các hoạt động thiết thực hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an ninh trật tự; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, cháy nổ, thảm họa, thiên tai...; thường xuyên giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, các giá trị văn hóa, hướng học sinh, sinh viên đến Chân - Thiện - Mỹ; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học và cá nhân.

4. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Đổi mới - Sáng tạo để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, hiện đại”.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục thông qua các phần mềm, hệ thống; có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số và sớm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành; nhân rộng trường học tiên tiến, hiện đại, vận dụng có hiệu quả những thành tố tích cực của các mô hình dạy học tiên tiến trên thế giới; tổ chức giáo dục hướng nghiệp, phân luồng có hiệu quả; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc gia và quốc tế; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo dựa trên kết quả đánh giá; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

5. Đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, có nhiều giải pháp sáng tạo giúp người học thay đổi tư duy, nhận thức về học tập suốt đời nhằm thúc đẩy nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo điều kiện thuận lợi, để người học tham gia học tập bằng nhiều hình thức, nhất là hình thức tự học trực tuyến trên môi trường internet, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và của địa phương; tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, sáng tạo trong việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập.

[...]