Hướng dẫn 244/NHCS-KH nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội ban hành

Số hiệu 244/NHCS-KH
Ngày ban hành 18/02/2009
Ngày có hiệu lực 18/02/2009
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Nguyễn Văn Lý
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 244/NHCS-KH

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

NGHIỆP VỤ HUY ĐỘNG TIỀN GỬI TIẾT KIỆM CỦA NGƯỜI NGHÈO THÔNG QUA TỔ TIẾT KIỆM VÀ VAY VỐN

Căn cứ Quyết định số 783/QĐ-HĐQT ngày 29/7/2003 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội về ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn;
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn như sau:

1. Mục đích huy động

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và quen dần với hoạt động tín dụng và tài chính; đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

2. Đối tượng huy động là thành viên của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV).

3. Nguyên tắc gửi tiền tiết kiệm

- Gửi tiền tự nguyện theo Quy ước đã cam kết tại Tổ TK&VV.

- Tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam, số tiền gửi chẵn theo đơn vị ngàn đồng.

- Người gửi tiền được gửi và rút tiền tiết kiệm theo nhu cầu

4. Hình thức gửi tiết kiệm áp dụng hình thức gửi tiền không kỳ hạn bao gồm 2 loại sau:

- Tiết kiệm ban đầu: là số tiền tiết kiệm mà mỗi tổ viên gửi lần đầu khi gia nhập Tổ.

- Tiết kiệm định kỳ: là số tiền mà mỗi tổ viên gửi vào Tổ định kỳ hàng tháng.

5. Phương thức huy động NHCSXH thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua ủy nhiệm cho Tổ TK&VV.

Điều kiện để Tổ TK&VV được NHCSXH ủy nhiệm thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm:

- Tổ TK&VV phải được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 783/QĐ-HĐQT ngày 29/7/2003 của Hội đồng quản trị NHCSXH về ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ TK&VV.

- Tổ TK&VV có quy ước về việc gửi tiền tiết kiệm của các tổ viên đã ghi trong Biên bản họp Tổ (mẫu số 10/TD văn bản số 676/NHCS-TD ngày 22/4/2007 của Tổng giám đốc NHCSXH). Mức gửi thực hiện theo quy ước của các tổ viên trong Tổ phù hợp với khả năng kinh tế của các tổ viên, điều kiện kinh tế của mỗi vùng.

- Ban quản lý Tổ TK&VV được ngân hàng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm, có kỹ năng ghi chép sổ sách, được ngân hàng tín nhiệm ủy nhiệm thu lãi tiền vay.

6. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng một loại lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Mức lãi suất cụ thể giao Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố quyết định căn cứ vào mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

7. Thủ tục và quy trình gửi, rút tiền tiết kiệm

7.1. Tại Tổ TK&VV

a) Nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên

Hàng tháng, căn cứ quy ước gửi tiền tiết kiệm của các thành viên trong Tổ, Tổ trưởng thực hiện nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên.

Khi thu tiền tiết kiệm của tổ viên, Tổ trưởng hoặc người đại diện Ban quản lý Tổ được Tổ trưởng ủy quyền kiểm đếm và ghi số tiền tổ viên gửi vào:

- Cột 5 “Số tiền gửi vào” trên Bảng kê thu, chi tiền gửi tiết kiệm (mẫu số 01/TK đính kèm văn bản này), đồng thời yêu cầu tổ viên gửi tiền ký vào Bảng kê mẫu số 01/TK.

- Cột 2 “Số tiền gửi vào” và ký xác nhận vào cột 5 “Chữ ký người nhận tiền” trên Phiếu theo dõi tiền gửi tiết kiệm của tổ viên, sau đó giao lại Phiếu cho tổ viên giữ.

Phiếu theo dõi tiền gửi tiết kiệm của tổ viên do Ngân hàng nơi nhận tiền gửi in theo mẫu thống nhất do Tổng giám đốc quy định tại văn bàn này (mẫu đính kèm), cấp cho Tổ TK&VV để phát cho tổ viên. Phiếu này được sử dụng lâu dài dùng để theo dõi số tiền tiết kiệm của tổ viên cho đến khi tổ viên rút hết tiền tiết kiệm.

b) Chi trả tiền tiết kiệm

[...]