Hướng dẫn 243/NHCS-TD năm 2009 về quy trình phát hành Sổ vay vốn và Biên lai thu lãi tiền vay do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

Số hiệu 243/NHCS-TD
Ngày ban hành 18/02/2009
Ngày có hiệu lực 18/02/2009
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Nguyễn Văn Lý
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 243/NHCS-TD

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2009

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH PHÁT HÀNH SỔ VAY VỐN VÀ PHÁT HÀNH BIÊN LAI THU LÃI TIỀN VAY

Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính về nghiệp vụ tín dụng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn triển khai phát hành Sổ vay vốn thay thế cho các loại giấy nhận nợ và phát hành Biên lai thu lãi trên phạm vi toàn quốc theo các nội dung cụ thể sau đây:

I. PHÁT HÀNH SỔ VAY VỐN

1. Phát hành Sổ vay vốn

1.1. Sổ vay vốn do NHCSXH phát hành thay thế cho các loại giấy nhận nợ của nhiều chương trình tín dụng khác nhau như: Sổ tiết kiệm và vay vốn hộ nghèo; Hợp đồng tín dụng và Khế ước nhận nợ.

1.2. Mỗi hộ gia đình vay vốn được NHCSXH cấp 01 Sổ vay vốn. Sổ vay vốn là Giấy nhận nợ của hộ gia đình khi vay vốn NHCSXH cho 01 hay nhiều chương trình tín dụng (nếu hộ vay vốn vay nhiều chương trình tín dụng) để theo dõi việc vay vốn, trả nợ và dư nợ tại NHCSXH.

1.3. Mỗi hộ vay vốn sẽ được cấp một mã số khách hàng ghi trên Sổ vay vốn. Mã số khách hàng được sử dụng trong suốt quá trình hộ vay vốn có quan hệ tín dụng với NHCSXH.

1.4. Đối với các khách hàng đã vay vốn đang sử dụng Sổ tiết kiệm và vay vốn hộ nghèo, khế ước nhận nợ… cũng đều phải thay thế đổi sang Sổ vay vốn mới.

2. Quy trình phát hành và đổi Sổ vay vốn

2.1. Phát hành mới: Người vay được phê duyệt vay vốn lần đầu sẽ được nhận Sổ vay vốn khi vay vốn. Người vay phải sử dụng Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (theo mẫu 01/TD đính kèm) để thay thế cho mẫu Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sản xuất, kinh doanh và Khế ước nhận nợ (mẫu 01/TD) trước đây.

2.2. Quy trình đổi sổ (thay thế các giấy nhận nợ cũ)

2.2.1. Ngân hàng in Danh sách người vay có dư nợ đến ngày gần nhất theo từng Tổ TK&VV (theo mẫu số 01/ĐS đính kèm, sau đây gọi tắt là Danh sách 01/ĐS). Danh sách 01/ĐS liệt kê dư nợ của từng người vay theo từng chương trình (có chương trình tin học hỗ trợ việc in này). Ngân hàng chuyển Danh sách 01/ĐS cho tổ chức Hội nhận ủy thác.

2.2.2. Tổ chức Hội cấp xã và Tổ TK&VV căn cứ vào Danh sách 01/ĐS, tiến hành rà soát, xác định theo hộ có 1, 2 hoặc nhiều chương trình tín dụng hoặc hộ vay một chương trình nhưng có nhiều người trong hộ đứng tên vay đang còn dư nợ để xác định tổng số tiền vay của hộ gia đình, làm cơ sở cấp Sổ vay vốn thay thế.

- Trường hợp phát hiện hộ vay một chương trình nhưng do từ 2 thành viên trở lên đứng tên vay (2 khoản vay thuộc một chương trình) hoặc một hộ vay nhiều chương trình do nhiều thành viên trong gia đình đứng tên vay và nhiều người thừa kế thì Tổ trưởng Tổ TK&VV thống nhất với các người vay trong hộ để chọn chủ hộ đại diện cho hộ gia đình đứng tên người vay, chọn người thừa kế trong Sổ vay vốn mới.

- Trường hợp, hộ chỉ có một người đứng tên vay vốn trên hồ sơ nhưng nay không còn (đã chết, mất tích,...) hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Tổ TK&VV thống nhất với hộ chọn thành viên khác trong hộ đứng tên người vay, tên người thừa kế trong Sổ vay vốn mới theo hướng dẫn trên.

Tiếp theo, Tổ trưởng Tổ TK&VV ghi đầy đủ các thông tin mới vào Danh sách 01/ĐS. Người vay ký xác nhận nợ vào cột 10. Sau đó, Tổ trưởng Tổ TK&VV gửi Danh sách 01/ĐS cho Tổ chức Hội để tổ chức Hội gửi cho Ngân hàng.

- Trường hợp phát hiện có chênh lệch do: cá nhân (cán bộ Hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV, cán bộ Ngân hàng, cán bộ UBND xã,..), tổ chức (Hội, UBND xã,...) lợi dụng xâm tiêu, vay ké, người vay không nhận nợ thì Ngân hàng chưa đổi Sổ. Ngân hàng phải phối hợp với các tổ chức chính trị -xã hội, Tổ TK&VV, UBND xã đối chiếu tìm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm người sai phạm để thu hồi vốn. Trường hợp sai phạm nghiêm trọng, lập hồ sơ gửi cơ quan pháp luật. Ngân hàng chỉ đổi Sổ trong trường hợp người vay nhận nợ hoặc có đầy đủ bằng chứng xác nhận người vay đã nhận nợ.

- Trường hợp phát hiện hộ vay vốn không đúng đối tượng thụ hưởng chính sách thì phải lập danh sách riêng, không tiến hành đổi Sổ mà phải thu hồi vốn trước thời hạn. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm về việc cho vay sai đối tượng.

2.2.3. Ghi chép trên Sổ vay vốn khi đổi Sổ

a) Ngân hàng căn cứ Danh sách 01/ĐS đã được người vay ký nhận nợ và hồ sơ vay vốn để ghi chép đầy đủ các thông tin vào các vị trí quy định trên Sổ vay vốn.

- Trang bìa Sổ vay vốn (dùng cho hộ gia đình) phải ghi bằng bút bi để tránh bị nhòe.

- Mã khách hàng gồm 10 ký tự: TT.HH.XXZZZZ, trong đó:

+ TT là 2 ký tự mã tỉnh theo chương trình Thông tin báo cáo hiện hành của NHCSXH.

+ HH là 2 ký tự mã huyện do NHCSXH cấp tỉnh quy định cho từng huyện.

+ XX là 2 ký tự mã xã do NHCSXH nơi cho vay quy định.

+ ZZZZ là 4 ký tự lấy giá trị từ 0001 đến 9999 là số thứ tự khách hàng vay vốn trong từng xã.

Ví dụ: Khách hàng tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Bạc được đánh mã khách hàng như sau:

[...]