Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Hướng dẫn 20-HD/BTCTW về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên do Ban Tổ chức Trung ương ban hành

Số hiệu 20-HD/BTCTW
Ngày ban hành 10/10/2008
Ngày có hiệu lực 10/10/2008
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức Trung ương Đảng
Người ký Hồ Đức Việt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 20-HD/BTCTW

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

VỀ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN

A - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Đánh giá đúng chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên để cấp uỷ các cấp đề ra chủ trư­ơng, giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

- Đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên thực hiện mỗi năm một lần gắn với tổng kết công tác năm của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Các cấp uỷ đảng cần quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, nội dung và phương pháp đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên cho đảng viên; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và thẩm định chặt chẽ việc thực hiện ở cơ sở, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, đúng thực chất; khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm.

B - NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

I. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG

1. Căn cứ và đối tượng đánh giá

- Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng căn cứ vào yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng theo quy định của Điều lệ Đảng; quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng và các nhiệm vụ được cấp ủy cấp trên giao.

- Đối tượng đánh giá là đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở, đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

2. Nội dung đánh giá

2.1. Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị:

- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chương trình, kế hoạch công tác của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ được cấp trên giao.

- Lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực khác.

- Lãnh đạo công tác quốc phòng toàn dân và thực hiện chính sách hậu phương quân đội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2.2. Về lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng:

- Việc phổ biến, quán triệt và lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Công tác phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh với những biểu hiện về tư tưởng và hành động (nói, viết, làm...) trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Lãnh đạo công tác tư tưởng, nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đảng viên và quần chúng; biện pháp giải quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ sở hoặc báo cáo cấp trên giải quyết theo thẩm quyền.

2.3. Về lãnh đạo xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội:

- Lãnh đạo xây dựng chính quyền ở cơ sở vững mạnh; công tác kiểm tra, xem xét, giải quyết những vấn đề bức xúc xẩy ra ở cơ sở, tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp và những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ sở.

- Lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định và điều lệ của mỗi đoàn thể; tham gia xây dựng, bảo vệ, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia ý kiến với tổ chức đảng, chính quyền cơ sở trong việc xây dựng các nghị quyết, quyết định có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân; xây dựng khối đoàn kết toàn dân.

2.4. Về thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng:

- Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng kết hợp với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư đảng bộ, chi bộ, người đứng đầu và các cấp ủy viên.

- Chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, các quy chế, quy định của đảng bộ, chi bộ.

- Nền nếp, nội dung, chất lượng, tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng; thực hiện tự phê bình, phê bình và nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.

- Công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên; thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, nâng cao trình độ mọi mặt cho đảng viên; giới thiệu đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ với chi uỷ, đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.

[...]