Hướng dẫn 1684/HD-BHXH năm 2016 về đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1684/HD-BHXH
Ngày ban hành 01/07/2016
Ngày có hiệu lực 01/07/2016
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thị Thu
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI
TP. HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1684/HD-BHXH

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 07 năm 2016

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC ĐÓNG QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Luật Vệ sinh, an toàn lao động số 84/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/06/2015; Căn cứ Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Vệ sinh, an toàn lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn đối tượng, mức đóng và phương thức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như sau:

I. Đối tượng tham gia

Người tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc là:

- Người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ đối tượng chỉ tham gia vào quỹ hưu trí và tử tuất).

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng thực hiện từ 01/01/2018.

- Không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình.

II. Mức đóng và phương thức đóng

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng bằng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Mức đóng này thay thế cho mức đóng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội (2014) hết hiệu lực từ ngày 01/07/2016.

2. Trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được đăng ký thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

3. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà đã đóng bảo hiểm xã hội và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại một nơi thì người sử dụng lao động nơi còn lại phải đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

III. Tổ chức thực hiện

1. Người sử dụng lao động

1.1. Tiếp tục thực hiện đóng 1% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động như hiện nay (trong 26% đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bao gồm 1% quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

1.2. Khi có người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và đã đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại đơn vị khác thì lập danh sách riêng chỉ đóng 1% cho các đối tượng này.

1.3. Hằng tháng vào ngày cuối cùng của tháng nộp số tiền phải đóng vào tài khoản chuyên thu của cơ quan Bảo hiểm xã hội (ghi rõ mã tham gia do cơ quan BHXH cấp).

2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội

2.1. Tổ chức thu và phân bổ nguồn quỹ, giải quyết các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

2.2. Cấp mã quản lý riêng cho đối tượng chỉ đóng 1% quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Mã tham gia đầy đủ ký hiệu: ZCxxxxX

Mã khối: ZC

Số thứ tự đơn vị tăng dần: xxxx

Mã thành phố, quận huyện nơi thu: X

Tỷ lệ thu: 1%

Mã nhóm thống kê: 40

[...]