Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Hướng dẫn 1438/HD-BHXH năm 2007 nghiệp vụ thu - chi và thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 1438/HD-BHXH
Ngày ban hành 07/09/2007
Ngày có hiệu lực 07/09/2007
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Cao Văn Sang
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI TP.HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 1438/HD-BHXH

TP Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 9 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

NGHIỆP VỤ THU - CHI VÀ THỦ TỤC HỒ SƠ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BHXH – BHYT

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc Hội ban hành ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2007;
Căn cứ Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 và Thông tư 03/2007/TT- BLĐTBXH ngày 31/01/2007 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Căn cứ Nghị định 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ và Thông tư 21/2005-TTLT-BYT-BTC ngày 27/7/2005 của Bộ y tế và Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc;
Căn cứ Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007, Quyết định số 845/QĐ- BHXH ngày 26/6/2007 và Quyết định số 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy định về hồ sơ giải quyết chế độ, quản lý chi trả và thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc;
Căn cứ Quyết định số 2559/QĐ-BHXH ngày 27/9/2005 của Tổng Giám đốc đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định về tổ chức thực hiện chế độ khám chữa bệnh BHYT.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn một số điểm về nghiệp vụ thu - chi và giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT từ ngày 01/01/2007 như sau:

Phần một:

THU BẢO HIỂM XÃ HỘI (BHXH) – BẢO HIỂM Y TẾ (BHYT).

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG; MỨC ĐÓNG BHXH, BHYT.

1. Người lao động (NLĐ) đồng thời tham gia BHXH, BHYT là công dân Việt Nam, gồm:

1.1. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

1.2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và HĐLĐ không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động, bao gồm cả xã viên, cán bộ quản lý làm việc và hưởng tiền công theo HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên trong các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã; người quản lý doanh nghiệp thuộc các chức danh quy định tại khoản 13, Điều 4, Luật Doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công từ đủ 3 tháng trở lên.

Mức đóng BHXH, BHYT mục 1.1 và 1.2:

- Mức đóng BHXH hàng tháng bằng 20% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó: NLĐ đóng 5%; người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng 15%;

- Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 3% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó: NLĐ đóng 1%; NSDLĐ đóng 2%;

2. NLĐ chỉ tham gia BHXH là công dân Việt Nam, gồm:

2.1. Phu nhân (phu quân) trong thời gian hưởng chế độ phu nhân (phu quân) tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mà trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc. Mức đóng BHXH hàng tháng bằng 16% mức tiền lương, tiền công tháng đối với NLĐ là phu nhân (phu quân) hưởng lương từ ngân sách của Nhà nước, trong đó NLĐ đóng 5%, NSDLĐ đóng 11%. Trường hợp phu nhân (phu quân) không phải là cán bộ, công chức Nhà nước nhưng đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc thì phu nhân (phu quân) đóng BHXH hàng tháng bằng 16% mức tiền lương đóng BHXH trước khi đi nước ngoài, NSDLĐ quản lý cán bộ, công chức có phu nhân (phu quân) thu tiền đóng của phu nhân (phu quân) để đóng cho cơ quan BHXH.

2.2. NLĐ đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, bao gồm các loại hợp đồng sau:

- Hợp đồng cá nhân, Hợp đồng với tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức thực tập, nâng cao tay nghề. Mức đóng BHXH hàng tháng bằng 16% mức tiền lương, tiền công tháng trước khi đi làm việc ở nước ngoài, do người lao động đóng.

- Hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu hoặc đầu tư ra nước ngoài; Mức đóng BHXH bằng 20% mức tiền lương, tiền công, trong đó: NLĐ đóng 5%; NSDLĐ đóng 15%.

2.3. NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ mà NSDLĐ là cá nhân. Mức đóng BHXH hàng tháng bằng 20% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó: NLĐ đóng 5%; NSDLĐ đóng 15%;

Mức đóng BHXH quy định tại điểm 1 và điểm 2, mục I, phần I thực hiện từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2009.

3. Những người chỉ tham gia BHYT, gồm:

3.1. Người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

3.2. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ, người đang hưởng trợ cấp BHXH theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ, người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng không thuộc đối tượng tham gia BHYT khác, công nhân cao su nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng.

3.3. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiệm các cấp, không thuộc biên chế Nhà nước và biên chế của các tổ chức chính trị - xã hội, không hưởng chế độ BHXH hàng tháng hoặc không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khác.

3.4. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế được Nhà nước tặng thưởng huy chương, huân chương kháng chiến; Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi xã hội hàng tháng, không thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc khác, bao gồm:

3.4.1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945;

3.4.2. Vợ (hoặc chồng), bố mẹ đẻ, con của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ;

3.4.3. Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

3.4.4. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động do thương tật từ 21% trở lên, kể cả thương binh loại B được xác nhận từ ngày 31/12/1993 trở về trước;

[...]