Hướng dẫn 02/HD-SXD năm 2012 phòng chống mối cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Theo TCVN 7958:2008)

Số hiệu 02/HD-SXD
Ngày ban hành 17/08/2012
Ngày có hiệu lực 17/08/2012
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Phạm Duy Hộ
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UBND TỈNH LÀO CAI
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/HD-SXD

Lào Cai, ngày 17 tháng 8 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

PHÒNG CHỐNG MỐI CHO CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI (Theo TCVN 7958 : 2008)

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng đối với các công trình xây dựng, đặc biệt đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn, các công trình nhà cao tầng và các công trình xây dựng ở vùng địa lý có mối hoạt động;

Sở Xây dựng tóm tắt hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 7958 : 2008 Bảo vệ công trình xây dựng - Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới” và công tác quản lý, giám sát, thi công, nghiệm thu phòng chống mối cho công trình xây dựng, một số nội dung cụ thể như sau:

I/. TÓM TẮT MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TIÊU CHUẨN:

1. Phạm vi áp dụng.

Tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 7958 : 2008 Bảo vệ công trình xây dựng - Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới” quy định các yêu cầu, phương pháp phòng chống mối áp dụng cho các công trình xây dựng mới có sử dụng vật liệu chứa xenlulô làm kết cấu hoặc có chứa đựng, lưu trữ các vật liệu, tài liệu có thành phẩm cấu tạo chứa xenlulô. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho công trình đê đập và cây trồng.

Đối tượng cần xử lý chủ yếu là các loại mối phá hoại công trình xây dựng như: môi đất, mối nhà, mối gỗ khô, mọt cánh cứng…

2. Phân loại yêu cầu phòng chống mối bảo vệ công trình

Để có các giải pháp phòng chống mối phù hợp với yêu cầu sử dụng, chất lượng xây dựng và điều kiện kiện kinh tế cho phép, yêu cầu chống mối cho công trình được chia thành 4 loại sau đây:

- Loại A: Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức cao, gồm các công trình đặc biệt, công trình cao tầng, công trình có niên hạn từ 100 năm trở lên; các bảo tàng, thư viện, lưu trữ, cơ quan văn phòng, công trình văn hóa lịch sử, nhà sản xuất, nhà kho có chứa hoặc sử dụng các thành phẩm quý có chứa xenlulo

- Loại B: Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức khá, gồm các công trình có niên hạn sử dụng từ 50 năm đến 100 năm.

- Loại C: Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức trung bình, gồm các công trình có niên hạn sử dụng từ 20 năm đến 50 năm, nhà ít tầng xây dựng ở vùng có mối hoạt động.

- Loại D: Công trình có yêu cầu phòng chống mối mức thấp gồm các công trình ít quan trọng xây dựng ở vùng địa lý không có mối hoạt động như nhà sản xuất, nhà kho làm bằng những vật liệu không chứa chất xenlulo. Nhà có chứa hoặc sử dụng, gia công các loại thành phẩm không chứa chất xenlulo.

Công trình loại A, B là loại công trình phải thực hiện các biện pháp phòng chống mối ngay từ khi lập dự án thiết kế và trong thi công xây dựng (phải đề xuất phương án, biện pháp cụ thể ngay từ khi lập dự án và thiết kế xây dựng).

Công trình loại C là loại có thể xem xét áp dụng một phần các biện pháp chống mối nhưng chủ yếu phải xử lý thuốc chống mối cho các bộ phận kết cấu, bộ phận trang trí và hệ thống cửa bằng gỗ hoặc vật liệu xenlulo (có đề xuất phương án, biện pháp cụ thể ngay từ khi lập dự án và thiết kế xây dựng).

Công trình loại D là loại không áp dụng ngay các biện pháp phòng chống mối trong khi thiết kế, thi công xây dựng.

3. Khảo sát phát hiện mối

Việc khảo sát phát hiện mối cho công trình thuộc loại A, B, C phải do người có kiến thức cơ bản về đặc tính sinh học các giống, loài mối và kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống mối, biết xác định loại mối gây hại chủ yếu tại khu đất xây dựng công trình và nhận biết tình trạng mối hoạt động trong khu vực kế cận (hướng dẫn tham khảo trong Phụ lục A - TCVN 7958 : 2008).

Khi khảo sát phải xem xét kỹ các nhà hiện có trên cùng khu đất có điều kiện tương tự.

Sau khi khảo sát phải có báo cáo tóm tắt về các loại mối chủ yếu đang hoạt động trên khu đất, tên giống và loài mối cụ thể.

4. Thiết kế phòng chống mối.

- Thiết kế phòng chống mối phải do các đơn vị tư vấn thiết kế có năng lực thực hiện.

- Thiết kế phòng chống mối cho các loại công trình A, B, C tùy mức khác nhau, nhưng tối thiểu phải bao gồm:

a. Báo cáo tình hình mối phá hoại.

b. Biện pháp xử lý diệt mối, dọn gốc cây, rễ cây và rác có chứa xenlulo.

c. Xử lí chống mối cho các bộ phận bằng gỗ.

d. Tùy theo điều kiện, chọn một trong hai phương pháp là: phòng chống mối bằng phương pháp kết hợp hoặc phòng chống mối bằng thuốc.

[...]