Hiệp định số 83/2005/LPQT về hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Số hiệu 83/2005/LPQT
Ngày ban hành 22/06/2005
Ngày có hiệu lực 28/07/2005
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Thị Hoàng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NGOẠI GIAO

******

 

Số: 83/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2005 

 

Hiệp định về hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 28 tháng 7 năm 2005./.

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 



Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ HỢP TÁC KINH TẾ VÀ KỸ THUẬTGIỮACHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀCHÍNH PHỦ HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

Hiệp định về hợp tác kinh tế và kỹ thuật này (“Hiệp định”) được lập giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Chính phủ Việt Nam”) và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (“Chính phủ Hoa Kỳ”) (gọi chung là “các Bên” hoặc gọi riêng là “Bên”).

NAY, xét tới quyền lợi và trách nhiệm của các Bên trong Hiệp định này, các Bên thỏa thuận như sau:

Điều 1. Phạm vi của Hiệp định

Hiệp định này điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật và nhân đạo (ví dụ hỗ trợ khi có thảm họa) dưới hình thức viện trợ không hoàn lại do Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện tại Việt Nam. Việc tiến hành các hoạt động hỗ trợ này phải tuân thủ các luật và quy định hiện hành của Hoa Kỳ. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các đại diện của cơ quan hoặc các cơ quan có liên quan của Chính phủ Việt Nam và các đại diện của cơ quan do Chính phủ Hoa Kỳ chỉ định. Các hoạt động hỗ trợ này sẽ do các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ trực tiếp thực hiện như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (“USAID”) và được thực hiện gián tiếp thông qua các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân, các công ty tư nhân, các tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức khác theo các thỏa thuận ký với Chính phủ Hoa Kỳ.

Điều 2. Trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam

Căn cứ vào pháp luật và quy định hiện hành của mình, Chính phủ Việt Nam đồng ý:

1. Đóng góp đầy đủ trong khả năng nhân sự, nguồn lực, phương tiện và các điều kiện kinh tế chung của mình để thúc đẩy thực hiện các mục đích của hoạt động hỗ trợ theo Hiệp định này;

2. Tiến hành các bước cần thiết để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả các hỗ trợ này;

3. Hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ để đảm bảo hoạt động mua sắm được thực hiện với mức giá cả và điều kiện hợp lý;

4. Cho phép các đại diện của Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi và rà soát các chương trình và hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định này và các hồ sơ liên quan, kể cả quyền thực hiện các hoạt động sau đây, trong thời hạn thực hiện bất kỳ chương trình hoặc giao dịch nào và ba năm tiếp theo thời hạn đó:

(a) Kiểm tra tài sản được mua với sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm thực hiện các mục đích của Hiệp định này; và

(b) Thanh tra và kiểm tra bất kỳ hồ sơ và sổ sách nào liên quan đến các khoản tiền được cấp và bất kỳ tài sản hoặc dịch vụ theo hợp đồng nào được mua bằng tiền tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm thực hiện các mục đích của Hiệp định này;

5. Tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng các quyền, quyền ưu đãi, miễn trừ và địa vị pháp lý theo quy định của Hiệp định này được thông báo cho tất cả các cấp chính quyền liên quan và được các cấp chính quyền liên quan này tôn trọng;

6. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Hiệp định này.

Điều 3. Trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ

Căn cứ vào pháp luật và quy định hiện hành của mình, Chính phủ Hoa Kỳ đồng ý:

1. Tuỳ theo khả năng của mình, tiến hành các hoạt động hỗ trợ đã được hai Bên nhất trí;

2. Tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện hiệp quả các hoạt động hỗ trợ đó;

3. Nỗ lực đảm bảo rằng các cán bộ và nhân viên của mình tuân thủ pháp luật Việt Nam;

4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Hiệp định này.

Điều 4. Phái đoàn đặc biệt

1. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp nhận một phái đoàn đặc biệt (“Phái đoàn đặc biệt”) của Chính phủ Hoa Kỳ. Phái đoàn đặc biệt này là văn phòng của USAID, trừ khi có thông báo khác của Chính phủ Hoa Kỳ. Phái đoàn đặc biệt sẽ thực thi và hoàn thành trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ theo Hiệp định này.

[...]