BỘ
NGOẠI GIAO
******
Số:
64/2004/LPQT
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2004
|
Hiệp định hợp tác giáo dục và
văn hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ
Liên bang Mê-hi-cô có hiệu lực từ ngày 21 tháng 03 năm 2004.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Phó Vụ Trưởng
Nguyễn Hoàng Anh
|
HIỆP ĐỊNH
HỢP TÁC GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG MÊ-HI-CÔ
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Mê-hi-cô sau đây gọi là “hai Bên”.
Xuất phát từ lòng mong muốn tăng
cường quan hệ hữu nghị vốn có giữa hai dân tộc;
Thể hiện mối quan tâm củng cố và
tăng cường sự hợp tác và trao đổi về giáo dục và văn hóa;
Tin tưởng vào tầm quan trọng của
việc xây dựng các cơ chế nhằm góp phần tăng cường sự hợp tác trong các lĩnh vực
hai bên cùng quan tâm và sự cần thiết thực hiện các chương trình cụ thể về hợp
tác và trao đổi giáo dục và văn hóa, phù hợp với sự năng động của tình hình quốc
tế mới;
Nhận thấy rằng quan hệ hợp tác
giáo dục và văn hóa giữa hai Bên sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau
giữa hai nước;
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Mục tiêu của Hiệp định này là nhằm tăng cường sự hợp tác
giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, nghệ
thuật và văn hóa nhằm triển khai các hoạt động góp phần tăng cường sự hiểu biết
lẫn nhau và phổ biến nền văn hóa của hai nước.
Điều 2.
Hai Bên khuyến khích việc thành lập một chương trình
học bổng hỗ tương để các công dân của nước này theo học các khóa sau đại học,
chuyên ngành hoặc nghiên cứu tại các trường đại học công của nước kia trong các
lĩnh vực do hai Bên cùng thỏa thuận.
Điều 3.
Hai Bên nỗ lực trong việc đẩy mạnh và tăng cường trình độ
kiến thức và giảng dạy về văn hóa của Bên kia.
Hai Bên tạo điều kiện cho các
trưòng đại học, các cơ sở giáo dục đại học và các trung tâm nghiên cứu của hai
nước tăng cường trao đổi thông tin, chương trình giảng dạy và kết quả nghiên cứu
cũng như tăng cường trao đổi giáo sư, chuyên gia giáo dục đễ hỗ trợ nhau trong
việc phát triển giáo dục và đào tạo.
Điều 4.
Hai Bên khuyến khích việc hợp tác giữa hệ thống giáo dục
quốc gia của hai nước ở các bậc sau đây: tiểu học, trung học cơ sở, trung học,
đại học và sau đại học đồng thời với giáo dục dành cho người cao tuổi, nhằm xây
dựng các dự án hợp tác chung trong tương lại.
Điều 5.
Hai Bên khuyến khích việc hợp tác hỗ tương giữa các trường
đại học và các cơ sở giáo dục đại học khác, các trung tâm nghiên cứu và các cơ
quan văn hóa khác trong các lĩnh vực nhân văn và nghệ thuật.
Điều 6.
Hai Bên khuyến khích việc làm phong phú thêm các kinh
nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật nhìn, tạo hình, sân khấu và âm nhạc.
Điều 7.
Hai Bên tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiếp lập các mối
quan hệ giữa các bảo tàng của hai nước nhằm khuyến khích việc tuyên truyền và
trao đổi các giá trị văn hóa của mỗi nước.
Điều 8.
Hai Bên, nhận thức được tầm quan trọng của di sản lịch sử,
văn hóa và tự hiên, sẽ khuyến khích việc xây dựng các mối quan hệ và hợp tác
trong việc thu hồi, phục chế, lưu giữ và bảo tồn, phân loại, tuyên truyền và hợp
thức hóa các di sản này.
Điều 9.
Hai Bên tiến hành các hoạt động hợp tác nhằm ngăn chặn việc
xuất, nhập khẩu và chuyển giao bất hợp pháp các tài sản thuộc di sản văn hóa của
mỗi nước, phù hợp với luật phát quốc gia và với việc thực hiện các công ước quốc
tế mà mỗi Bên tham gia.
Theo quy định này, hai Bên sẽ tiến
hành các hành động cần thiết để trao trả những tài sản bị xuất, nhập khẩu bất hợp
pháp nói trên.
Điều 10.
Hai Bên trao đổi thông tin trong lĩnh vực quyền tác
giả và các quyền có liên quan nhằm mục tiêu tìm hiểu hệ thống quyền tác giả
tương ứng của mỗi nước.
Sự trao đổi thông tin là cơ sở
cho việc phối hợp rộng lớn hơn về lĩnh vực này trong tương lai.
Điều 11.
Hai Bên hỗ trợ việc thực hiện các hoạt động nhằm giới
thiệu các sản phẩm văn học của nhau, khuyến khích việc dịch các tác phẩm của
các tác giả và chuyên gia của Bên kia cũng như tăng cường quan hệ giữa các nhà
xuất bản để làm phong phú các sản phẩm văn học của mình.
Điều 12.
Hai Bên khuyến khích việc thiếp lập các mối quan hệ hợp
tác giữa các thư viện và viện lưu trữ quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi
cho việc tiếp cận thông tin, phù hợp với luật pháp của mỗi nước.
Điều 13.
Hai Bên khuyến khích việc hợp tác giữa các cơ quan có thẩm
quyền trong các lĩnh vực phát thanh, truyền hình và điện ảnh với mục đích giới
thiệu các tác phẩm mới nhất của mình và hỗ trợ việc tuyên truyền văn hóa của
hai nước, phù hợp với luật pháp của mỗi nước.
Điều 14.
Hai Bên khuyến khích việc hợp tác giữa các cơ quan có thẩm
quyền trong lĩnh vực chính sách về phụ nữ và gia đình.
Hai Bên hỗ trợ cho việc thiết lập
các mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan của hai nước làm dịch vụ về giáo dục,
văn hóa, nghỉ ngơi và giải trí dành cho người cao tuổi.
Điều 15.
Nhằm thực hiện Hiệp định này, hai Bên cam kết sẽ
cùng nhau thỏa thuận xây dựng và thực hiện các dự án và hoạt động hợp tác trong
các lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật và văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các
tổ chức và các cơ quan nhà nước, tư nhân và các tổ chức xã hội.
Điều 16.
Nhằm thực hiện Hiệp định này, hai Bên sẽ phối hợp cùng
xây dựng các chương trình hợp tác giáo dục và văn hóa hai năm hoặc ba năm, phù
hợp với các ưu tiện của hai nước trong khuôn khổ các kế hoạch và chiến lược
phát triển giáo dục, văn hóa và xã hội.
Mỗi chương trình phải định rõ mục
đích, hình thức hợp tác, nguồn tài chính và kỹ thuật, lịch làm việc, cũng như
các lĩnh vực mà các dự án sẽ thực hiện. Đồng thời cũng phải định rõ các nghĩa vụ,
kể cả nghĩa vụ tài chính của mỗi Bên.
Mỗi chương trình sẽ được đánh
giá định kỳ theo đề nghị của các cơ quan điều phối nêu trong Điều 18.
Điều 17.
Nhằm thực hiện Hiệp định này, việc hợp tác về giáo dục
và văn hóa giữa hai Bên có thể tiến hành theo các thể thức sau:
a) cùng thực hiện hoặc phối hợp
thực hiện các chương trình nghiên cứu;
b) thực hiện các thỏa thuận hợp
tác trực tiếp giữa các cơ sở giảng dạy ở tất cả các cấp;
c) xây dựng các môn học hoặc bài
giảng tại các trường học, trường đại học và các cơ sở giáo dục và văn hóa ở hai
nước;
d) gửi hoặc nhận chuyên gia,
giáo sư, nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà văn, người sáng tác, nghệ sĩ, người độc
tấu các nhóm nghệ thuật cũng như các chuyên gia về nghệ thuật và văn hóa;
e) trong khả năng của mỗi bên, lập
quỹ học bổng và hỗ trợ cho công dân bên kia theo học sau đại học, học chuyên
ngành hoặc nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học trong các lĩnh vực đã được
thống nhất;
f) gửi hoặc nhận sinh viên sau đại
học để học chuyên ngành hoặc nghiên cứu;
g) gửi hoặc nhận các thiết bị và
các vật tư cần thiết để thực hiện các dự án cụ thể;
h) tổ chức các khóa đào tạo về
nhân lực và nâng cao trình độ;
i) tổ chức các hội nghị, hội thảo
và các hoạt động học thuật khác với sự tham gia của chuyên gia hai nước nhằm
góp phần làm phong phú kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực tri thức;
j) tham gia các hoạt động văn
hóa và liên hoan quốc tế, cũng như các hội chợ sách và các cuộc giao lưu văn học
được tiến hành tại mỗi nước;
k) tổ chức và giới thiệu các cuộc
triển lãm về nghệ thuật và văn hóa của nước này ở nước kia;
l) dịch và cùng xuất bản các tác
phẩm văn học của mỗi nước;
m) trao đổi các tài liệu thông
tin, tư liệu và thư mục trong các lĩnh vực giáodục, nghệ thuật và văn hóa;
n) trao đổi các tài liệu nghe
nhìn, chương trình phát thanh, truyền hình với mục đích giáo dục và văn hóa;
o) gửi hoặc nhận phim ảnh hoặc
các vật phẩm tương tự để tham gia liên hoan phim tổ chức ở mỗi nước;
p) bất cứ thể thức nào khác được
hai Bên thỏa thuận.
Điều 18.
Để theo dõi và phối hợp các hoạt động hợp tác được nêu
trong Hiệp định này, một Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Giáo dục và Văn hóa sẽ được
thành lập bao gồm đại diện của hai Bên và sẽ luân phiên họp ở Việt Nam và
Mê-hi-cô vào thời gian do hai Bên thỏa thuận qua đường ngoại giao. Điều phối Ủy
ban này, về phía Mê-hi-cô là Bộ Ngoại giao Mê-hi-cô. Ủy ban Hỗn hợp có những chức
năng sau:
a) đánh giá và xác định các lĩnh
vực ưu tiên có tính khả thi của các dự án hợp tác cụ thể về giáo dục, nghệ thuật
và văn hóa cũng như các nguồn lực cần thiết để hoàn thành các dự án đó;
b) phân tích, xem xét, thông
qua, theo dõi và đánh giá các Chương trình Hợp tác Giáo dục và Văn hóa;
c) giám sát việc triển khai thực
hiện Hiệp định này cũng như các dự án đã thỏa thuận, tạo điều kiển để hoàn
thành dự án theo đúng thời gian dự kiến;
d) đề xuất các giải pháp cho những
vấn đề có tính chất hành chính và tài chính này sinh khi tiến hành các hoạt động
trong khuôn khổ Hiệp định này; và
e) đề xuất với hai Bên các khuyến
nghị mà Ủy ban cho là phù hợp.
Tuy đã được quy định các mục (a)
của Điều này, mỗi Bên có thể đề xuất với Bên kia vào bất cứ thời điểm nào, các
dự án cụ thể về hợp tác giáo dục và văn hóa để Bên kia nghiên cứu và sau đó sẽ được
Ủy ban Hỗn hợp thông qua.
Điều 19.
Khi xét thấy cần thiết, hai Bên có thể đề nghị sự hỗ trợ
và tham gia của các nguồn tài trợ bên ngoài cũng như của các tổ chức quốc tế và
các nước thứ ba nhằm thực hiện các chương trình và dự án phù hợp với Hiệp định
này.
Đồng thời, hai Bên có thể cho
phép các tổ chức quốc tế cũng như các diễn đàn có liên quan về giáo dục và văn
hóa tham gia vào việc thực hiện các dự án và chương trình này.
Điều 20.
Mỗi Bên sẽ tạo thuận lợi cần thiết cho việc nhập cảnh,
lưu trú và xuất cảnh của những người tham gia chính thức vào các dự án hợp tác.
Những người này sẽ tuân thủ các quy định hiện hành về di trú, thuế, hải quan, dịch
tễ và an ninhquốc gia của nước tiếp nhận và không được thực hiện cứ hoạt động
nào khác ngoài chức năng của học nếu không có sự cho phép trước của các cơ quan
chức năng.
Điều 21.
Hai Bên tạo mọi điều kiện thuận lợi cần thiết về mặt
hành chính, thuế và hải quan cho việc nhập và xuất mang tính chất tạm thời
và/hoặc vĩnh viễn đối với các thiết bị và vật tư được sử dụng chính thức trong
quá trình thực hiện các dự án phù hợp với luật pháp mỗi nước và công ước quốc tế
mà mỗi Bên tham gia.
Điều 22.
Bất kỳ sự khác biệt nào có thể này sinh trong việc thực
hiện và/hoặc giải thích Hiệp định này sẽ được hai Bên cùng thỏa thuận giải quyết
qua đường ngoại giao.
Điều 23.
Việc thực hiện các quy định trong Hiệp định này
không làm phương hại đến những cam kết của hai Bên ghi trong các điều ước song
phương và đa phương mà mỗi Bên tham gia.
Điều 24.
Hiệp định này có hiệu lực ba mươi (30) ngày sau khi hai
Bên thông báo cho nhau qua đường ngoại giao về việc đã hoàn tất các thủ tục
pháp lý cần thiết để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định sẽ có giá trị trong thời
hạn 5 năm và mặc nhiên được gia hạn thêm 5 năm, trừ khi một trong hai Bên thông
báo bằng văn bản cho Bên kia qua đường ngoại giao trước sáu (6) tháng ý định chấm
dứt Hiệp định này.
Hiệp định này có thể được sửa đổi
với sự nhất trí chung bằng văn bản của hai Bên. Các sửa đổi đó sẽ có hiệu lực kể
từ ngày hai Bên trao đổi Công hàm ngoại giao, thông báo cho nhau biết đã hoàn
thành những yêu cầu mà luật pháp của hai nước đòi hỏi.
Việc chấm dứt Hiệp định sẽ không
ảnh hưởng tới việc hoàn tất các chương trình và dự án đã được triển khai trong
thời gian Hiệp định có hiệu lực.
Làm tại Thành phố Mê-hi-cô, ngày
30 tháng 08 năm 2002, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếnt Việt, tiếng Tây Ban
Nha và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự bất
đồng về giải thích, bản tiếng Anh sẽ được dùng để đối chiếu.
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ LIÊN BANG MÊ-HI-CÔ
Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao
Jorge Castañeda
|
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao
Nguyễn Dy Niên
|