HIỆP ĐỊNH
CHƯƠNG TRÌNH THUẾ QUAN ƯU ĐÃI CÓ HIỆU LỰC CHUNG (CEPT) CHO
KHU VỰC MẬU DỊCH TỰ DO ASEAN (AFTA)
Chính phủ các nước Brunây
Đaruxalam, Cộng hòa Inđônêxia, Malaixia, Cộng hòa Philippin, Cộng hòa Xingapo
và Vương quốc Thái Lan, các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông
Nam á (ASEAN);
Lưu ý tới Tuyên bố về sự hòa hợp
ASEAN ký tại Bali, Inđônêxia ngày 24-2-1976 quy định rằng các quốc gia thành
viên sẽ hợp tác trong lĩnh vực thương mại nhằm phát triển và tăng trưởng nền sản
xuất và thương mại;
Nhắc lại rằng Tuyên bố của các vị
đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị cấp cao lần thứ III tại Manila từ ngày 13 đến
15-12-1987 đã nêu rõ: các quốc gia thành viên sẽ tăng cường hợp tác kinh tế
trong ASEAN để sử dụng đến mức tối đa tiềm năng của khu vực trong thương mại và
phát triển;
Ghi nhận rằng Hiệp định về Thỏa
thuận thương mại ưu đãi (PTA) được ký kết tại Manila ngày 24-7-1977 đã nêu lên
việc sử dụng nhiều công cụ khác nhau cho tự do hoá thương mại trên cơ sở ưu
đãi;
Tuân thủ các nguyên tắc, khái niệm
và ý tưởng của Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế trong ASEAN ký tại
Xingapo ngày 28-1-1992;
Tin tưởng rằng các thỏa thuận
thương mại ưu đãi giữa các quốc gia thành viên ASEAN sẽ có tác dụng kích thích
việc củng cố khả năng tự cường kinh tế của từng quốc gia cũng như của ASEAN và
sự phát triển nền kinh tế của các quốc gia thành viên thông qua việc mở rộng
các cơ hội đầu tư và sản xuất, thương mại và tăng các khoản ngoại tệ thu được;
Quyết tâm hợp tác hơn nữa trong
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực thông qua tăng cường tự do hóa thương
mại và đầu tư trong ASEAN với mục tiêu thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN,
sử dụng Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT);
Mong muốn cải thiện Thỏa thuận
thương mại ưu đãi ASEAN (PTA) phù hợp với các cam kết quốc tế của ASEAN;
ĐÃ THỎA THUẬN NHƯ SAU:
Điều 1. Các
định nghĩa
Nhằm các mục đích của Hiệp định
này:
1. "CEPT" có nghĩa là
thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung, và là mức thuế có hiệu lực, được thỏa thuận
ưu đãi cho ASEAN, được áp dụng cho các hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia
thành viên ASEAN và được xác định để đưa vào Chương trình CEPT theo các Điều
2(5) và 3;
2. "Hàng rào phi quan thuế"
có nghĩa là các biện pháp không phải thuế quan, trên thực tế ngăn cấm hoặc hạn
chế việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu các sản phẩm giữa các quốc gia thành viên;
3. "Hạn chế số lượng"
có nghĩa là các cấm đoán hoặc hạn chế thương mại với các quốc gia thành viên
khác, dù là bằng hạn ngạch, giấy phép hoặc các biện pháp có bản chất tương tự,
kể cả các biện pháp và các yêu cầu hành chính hạn chế thương mại;
4. "Hạn chế ngoại tệ"
có nghĩa là các biện pháp được các quốc gia thành viên sử dụng dưới hình thức hạn
chế hoặc các thủ tục hành chính khác về ngoại tệ tạo ra hạn chế cho thương mại;
5. "PTA" có nghĩa là
thỏa thuận thương mại ưu đãi ASEAN được quy định trong các Hiệp định về Thỏa
thuận thương mại ưu đãi ASEAN, ký tại Manila ngày 24-2-1977 và trong Nghị định
thư về tăng cường mở rộng ưu đãi thuế quan theo Thỏa thuận thương mại ưu đãi
ASEAN (PTA) ký tại Manila ngày 15-12-1987;
6. "Danh mục loại trừ"
có nghĩa là danh mục liệt kê các sản phẩm được loại ra khỏi diện áp dụng thuế
quan ưu đãi trong Chương trình CEPT;
7. "Sản phẩm nông nghiệp"
có nghĩa là:
a). Nguyên liệu nông nghiệp
thô/các sản phẩm chưa chế biến được liệt kê trong các Chương 1 đến 24 của Hệ thống
cân đối (HS) và các nguyên liệu nông nghiệp thô/các sản phẩm chưa chế biến
tương tự được nêu trong các đề mục của Hệ thống cân đối; và
b). Các sản phẩm đã qua sơ chế
nhưng hình thức không thay đổi nhiều so với sản phẩm gốc.
Điều 2. Các
điều khoản chung
1. Tất cả các quốc gia thành
viên sẽ tham gia Chương trình CEPT.
2. Việc xác định các sản phẩm để
đưa vào Chương trình CEPT sẽ dựa trên cơ sở các lĩnh vực, tức là theo mã 6 chữ
số của HS.
3. Cho phép loại trừ không đưa
vào áp dụng một số sản phẩm cụ thể theo mã 8/9 chữ số của HS đối với những quốc
gia thành viên tạm thời chưa sẵn sàng để đưa các sản phẩm đó vào Chương trình
CEPT. Căn cứ vào Điều 1 (3) của Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế của
ASEAN, đối với các sản phẩm cụ thể "nhạy cảm" đối với một quốc gia
thành viên, quốc gia đó được phép loại trừ sản phẩm này ra khỏi Chương trình
CEPT, nhưng phải từ bỏ các ưu đãi đối với những sản phẩm đó mà Hiệp định này đã
quy định. Hiệp định này sẽ được xem xét lại vào năm thứ 8 sau khi thực hiện quyết
định về Danh mục loại trừ cuối cùng hoặc có sửa đổi với Hiệp định này.
4. Một sản phẩm được coi là có
xuất xứ từ quốc gia thành viên ASEAN nếu trong nội dung của sản phẩm đó chứa ít
nhất 40% hàm lượng có xuất xứ từ một quốc gia thành viên ASEAN.
5. Tất cả các sản phẩm chế tạo,
kể cả hàng hóa cơ bản (tư liệu sản xuất), nông sản chế biến và các sản phẩm nằm
ngoài định nghĩa theo Hiệp định này đều nằm trong phạm vi áp dụng của Chương
trình CEPT. Những sản phẩm này sẽ nghiễm nhiên được đưa vào Chương trình cắt giảm
thuế quan theo quy định tại Điều 4 của Hiệp định. Đối với những sản phẩm thuộc
diện PTA, sẽ áp dụng chương trình cắt giảm thuế quan quy định tại Điều 4 của Hiệp
định này, có xem xét tới thuế quan sau khi đã áp dụng mức ưu đãi thuế quan thấp
nhất (MOP) kể từ ngày 31-12-1992.
6. Các sản phẩm thuộc diện PTA
mà không chuyển sang Chương trình CEPT sẽ tiếp tục được hưởng MOP từ ngày
31-12-1992.
7. Các quốc gia thành viên mà mức
thuế quan đối với các sản phẩm đã được thỏa thuận giảm từ 20% và thấp hơn xuống
0-5%, mặc dù đã được hưởng quy chế tối huệ quốc, vẫn sẽ được hưởng các ưu đãi.
Các quốc gia thành viên với mức thuế quan ở mức quy chế tối huệ quốc là 0-5% sẽ
được coi là đã hoàn thành các nghĩa vụ theo Hiệp định này và vẫn sẽ được hưởng
các ưu đãi.
Điều 3. Phạm
vi sản phẩm
Hiệp định này được áp dụng đối với
mọi sản phẩm chế tạo, kể cả sản phẩm cơ bản, chế biến và những sản phẩm nằm
ngoài định nghĩa "hàng nông sản" được quy định trong Hiệp định này.
Nông sản sẽ được loại trừ khỏi Chương trình CEPT.
Điều 4.
Chương trình cắt giảm thuế quan
1. Các quốc gia thành viên thỏa
thuận Chương trình cắt giảm thuế quan ưu đãi có hiệu lực như sau:
a. Giảm các mức thuế quan hiện
nay xuống còn 20% trong thời kỳ 5 năm tới 8 năm, kể từ ngày 01-01-1993, tùy thuộc
vào Chương trình cắt giảm thuế quan do từng quốc gia thành viên quyết định và sẽ
được thông báo khi được công bố vào lúc bắt đầu chương trình. Khuyến khích các
quốc gia thành viên áp dụng mức cắt giảm hàng năm theo công thức (X-20)%/5 hoặc
8 năm, trong đó X là mức thuế quan hiện hành tại mỗi quốc gia thành viên.
b. Sau đó giảm mức thuế 20% hoặc
thấp hơn trong thời hạn 7 năm. Mức cắt giảm tối thiểu là 5% lượng được cắt giảm.
Chương trình cắt giảm thuế quan sẽ được các quốc gia thành viên quyết định và
tuyên bố khi bắt đầu chương trình.
c. Đối với các sản phẩm có mức
thuế hiện nay là 20% hoặc thấp hơn, kể từ ngày 01-01-1993, các quốc gia thành
viên sẽ quyết định chương trình cắt giảm thuế quan, và công bố ngày bắt đầu áp
dụng chương trình cắt giảm.
Hai hoặc nhiều quốc gia thành
viên có thể thỏa thuận cắt giảm thuế quan xuống còn 0-5% cho các sản phẩm cụ thể
với tốc độ nhanh hơn khi bắt đầu Chương trình.
2. Căn cứ Điều 4(1) (b) và 4(1)
(c) của Hiệp định này, các sản phẩm đã đạt tới hoặc đang có mức thuế suất là
20% hoặc thấp hơn, sẽ nghiễm nhiên được hưởng các ưu đãi.
3. Các chương trình cắt giảm thuế
quan trên đây không ngăn cản các quốc gia thành viên cắt giảm ngay lập tức mức
thuế quan của mình xuống còn 0-5% hoặc áp dụng một chương trình rút ngắn việc cắt
giảm thuế quan.
Điều 5. Các
điều khoản khác
A. Các hạn chế về số lượng và
các hàng rào phi thuế quan
1. Các quốc gia thành viên sẽ
xóa bỏ các hạn chế về số lượng đối với những sản phẩm trong Chương trình CEPT
sau khi được hưởng các ưu đãi áp dụng cho những sản phẩm đó.
2. Các quốc gia thành viên sẽ dần
dần xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan khác trong thời hạn 5 năm sau khi được hưởng
các chế độ ưu đãi.
B. Các hạn chế về ngoại tệ
Các quốc gia thành viên sẽ được
coi là ngoại lệ đối với các hạn chế ngoại tệ liên quan tới thanh toán cho các sản
phẩm trong Chương trình CEPT cũng như đối với việc chuyển các khoản thanh toán
đó về nước mà không gây phương hại tới các quyền của mình theo quy định tại Điều
XVIII của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và các điều khoản
có liên quan trong Hiệp định về Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF).
C. Các lĩnh vực hợp tác khác
Các quốc gia thành viên sẽ xem
xét các biện pháp khác liên quan đến các lĩnh vực hợp tác trong phạm vi biên giới
và ngoài biên giới nhằm bổ sung và hỗ trợ cho tự do hóa thương mại. Những biện
pháp này bao gồm cả việc thống nhất các tiêu chuẩn chung, công nhận kết quả kiểm
chứng hàng hóa, xóa bỏ các hàng rào đối với đầu tư nước ngoài, tham khảo ý kiến
trong kinh tế vĩ mô, áp dụng nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và khuyến
khích phát triển thị trường vốn.
D. Duy trì các chế độ ưu đãi
Các quốc gia thành viên sẽ không
xóa bỏ hoặc gây tổn hại tới bất cứ ưu đãi nào đã được thỏa thuận thông qua việc
áp dụng các biện pháp như xác định giá trị theo hải quan, hoặc các biện pháp hạn
chế thương mại khác, trừ trường hợp được quy định trong Hiệp định này.
Điều 6. Các
biện pháp khẩn cấp
1. Nếu do nhập khẩu một sản phẩm
cụ thể được áp dụng theo Chương trình CEPT tăng lên mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng
hoặc đe dọa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực sản xuất hoặc sản phẩm
cạnh tranh tương tự ở quốc gia thành viên nhập khẩu sản phẩm đó thì quốc gia
thành viên này trong phạm vi và trong một thời gian cần thiết, nhằm ngăn chặn
hoặc để giải quyết ảnh hưởng đó, có thể tạm thời đình chỉ áp dụng các ưu đãi mà
không có sự phân biệt đối xử, theo Điều 6(3) của Hiệp định này. Việc tạm đình
chỉ áp dụng ưu đãi đó phải phù hợp với quy định của GATT.
2. Một quốc gia thành viên nếu
thấy cần phải áp dụng hoặc tăng cường các biện pháp hạn chế về số lượng hay bất
kỳ biện pháp nào khác để hạn chế nhập khẩu nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ hoặc
chấm dứt sự giảm sút nghiêm trọng dự trữ tiền tệ của mình, có thể được làm việc
đó theo phương cách bảo đảm các giá trị của các ưu đãi đã được thỏa thuận,
không làm phương hại tới các nghĩa vụ quốc tế hiện có.
3. Trong trường hợp áp dụng các
biện pháp khẩn cấp theo tinh thần của Điều này, cần thông báo ngay các biện
pháp đó cho Hội đồng được đề cập trong Điều 7 của Hiệp định này, và có thể sẽ
có tham khảo ý kiến đối với các biện pháp đó như quy định tại Điều 8 của Hiệp định
này.
Điều 7. Cơ cấu
thỏa thuận về thể chế
1. Nhằm các mục tiêu của Hiệp định
này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) sẽ thành lập một Hội đồng cấp Bộ trưởng
bao gồm mỗi quốc gia thành viên được một người chỉ định và Tổng thư ký ASEAN.
Ban Thư ký ASEAN sẽ hỗ trợ cho AEM khi thực hiện các chức năng của mình; Hội đồng
cấp Bộ trưởng này cũng sẽ được sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao
kinh tế (SEOM).
2. Các quốc gia thành viên có
các thỏa thuận song phương về cắt giảm thuế quan theo Điều 4 của Hiệp định này
sẽ phải thông báo cho các quốc gia thành viên khác và Ban Thư ký ASEAN về các
thỏa thuận đó.
3. Ban Thư ký ASEAN sẽ theo dõi
và báo cáo cho SEOM về việc thực hiện Hiệp định này theo Điều 3 (2) (8) của Hiệp
định thành lập Ban Thư ký ASEAN. Các quốc gia thành viên sẽ hợp tác với Ban Thư
ký ASEAN trong việc thực thi các chức năng của mình.
Điều 8. Tham
khảo ý kiến
1. Các quốc gia thành viên sẽ
dành mọi cơ hội cho việc tham khảo ý kiến về bất cứ khiếu nại nào của một quốc
gia thành viên liên quan đến vấn đề thực hiện Hiệp định này. Hội đồng được đề cập
tại Điều 7 của Hiệp định này có thể xin ý kiến chỉ đạo của AEM trong trường hợp
không thể tìm ra một giải pháp thỏa đáng trong các cuộc tham khảo ý kiến trước
đó.
2. Các quốc gia thành viên, nếu
cho rằng một quốc gia thành viên khác không thực hiện đúng các nghĩa vụ của
mình, dẫn tới việc xóa bỏ hoặc làm suy giảm các lợi ích mà họ được hưởng, nhằm
đạt được sự điều chỉnh thỏa đáng vấn đề có thể khiếu nại hoặc đề nghị với quốc
gia thành viên đó và quốc gia thành viên này cần xem xét thỏa đáng khiếu nại hoặc
đề nghị nói trên.
3. Mọi bất đồng giữa các quốc gia
thành viên trong việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết
trên tinh thần hòa giải hữu nghị đến mức cao nhất giữa các bên có liên quan.
Trong trường hợp không giải quyết được một cách hữu nghị, vấn đề đó sẽ được
trình lên Hội đồng đã được đề cập tại Điều 7 của Hiệp định và nếu cần thiết,
lên AEM.
Điều 9. Các
ngoại lệ chung
Trong Hiệp định này không có điều
khoản nào ngăn cản bất kỳ quốc gia thành viên nào có hành động và áp dụng các
biện pháp mà quốc gia đó thấy cần thiết nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ đạo
đức xã hội, cuộc sống của con người, động vật và cây trồng, sức khỏe cũng như
các giá trị, lịch sử và khảo cổ của mình.
Điều 10.
Các điều khoản cuối cùng
1. Chính phủ của các quốc gia
thành viên cam kết áp dụng các biện pháp thích hợp để thực hiện các nghĩa vụ đã
được thỏa thuận theo Hiệp định này.
2. Bất kỳ sự sửa đổi nào đối với
Hiệp định này sẽ phải thực hiện trên nguyên tắc nhất trí và sẽ có hiệu lực khi
tất cả các quốc gia thành viên chấp thuận.
3. Hiệp định này có hiệu lực kể
từ ngày ký kết.
4. Hiệp định này sẽ được Tổng
Thư ký của Ban Thư ký ASEAN lưu chiểu và Tổng Thư ký sẽ nhanh chóng sao thành
nhiều bản có xác nhận để chuyển cho các quốc gia thành viên.
5. Không có một bảo lưu nào đối
với bất kỳ điều khoản nào của Hiệp định này.
Để làm bằng, những người ký tên
dưới đây được các Chính phủ của mình ủy nhiệm, đã ký Hiệp định về Chương trình
thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực mậu dịch tự do ASEAN
(AFTA).
Làm tại Xingapo ngày 28-01-1992
với một bản duy nhất bằng tiếng Anh.
Thay mặt Chính phủ Brunây
Đaruxalam
Abdul Rahman Taib
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và
Tài nguyên thiên nhiên
Thay mặt Chính phủ Cộng hòa
Inđônêxia
Arifin M. Siregar
Bộ trưởng Bộ Thương mại
Thay mặt Chính phủ Malaixia
Rafidah Aziz
Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc
tế và Công nghiệp
Thay mặt Chính phủ Cộng hòa
Philippin
Peter D. Garrucho
Bộ trưởng Bộ Thương mại và
Công nghiệp
Thay mặt Chính phủ Cộng hòa
Xinhgapo
Lee Hsien Long
Bộ trưởng Bộ Thương mại và
Công nghiệp
Thay mặt Chính phủ Vương quốc
Thái Lan
Amaret Sila_on
Bộ trưởng Bộ Thương mại