Điều lệ số 695– TTg về tổ chức cục thống kê trung ương, các cơ quan thống kê địa phương và các tổ chức thống kê của bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 695-TTg
Ngày ban hành 20/02/1956
Ngày có hiệu lực 06/03/1956
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 695–TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 1956

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC CỤC THỐNG KÊ TRUNG ƯƠNG, CÁC CƠ QUAN THỐNG KÊ ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC TỔ CHỨC THỐNG KÊ CỦA BỘ CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Mục 1.- CỤC THỐNG KÊ TRUNG ƯƠNG.

Điều 1.- Nay thành lập Cục Thống kê trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các Ban Thống kê địa phương, các tổ chức thống kê ở các Bộ, các cơ quan xí nghiệp.

Cục Thống kê trung ương và các cơ quan Thống kê ở địa phương là một hệ thống thống nhất, tập trung.

Điều 2. - Cục Thống kê trung ương trong Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một cơ quan Nhà nước để lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi việc thống kê và kế toán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Điều 3. - Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Thống kê trung ương là sưu tầm, thu nhập, khai thác, nghiên cứu và để trình Chính phủ những tài liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học, để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển kinh tế và văn hoá trong nước, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của các ngành kinh tế, văn hoá và mức độ phát triển của từng ngành.

Nhiệm vụ cụ thể của Cục Thống kê trung ương là:

1) Tổ chức và lãnh đạo công tác thống kê và kế toán, một công cụ chủ yếu giúp Chính phủ lãnh đạo việc phát triển và kế hoạch hóa nền Kinh tế và văn hoá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

2) Xây dựng và cải tiến các phương pháp thống kê và kế toán trên cơ sở khoa học Mác- Lênin.

3) Kiểm tra một cách có hệ thống việc thi hành các kế hoạch Nhà nước dựa trên báo cáo đã quy định, dựa trên các cuộc kiểm tra và các tài liệu thống kê khác.

4) Kiểm kê một cách có hệ thống nguồn tài nguyên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Và kiểm tra việc sử dụng các tài nguyên đó.

5) Tiến hành các cuộc kiểm kê về nông nghiệp, công nghiệp và các mặt khác một cách có quy củ. Chương trình và thời gian tiến hành các cuộc kiểm kê ấy phải được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chuẩn y.

6) Thường xuyên và kịp thời cung cấp những tài liệu thống kê cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

7) Lãnh đạo và kiểm tra công tác thống kê ở các Bộ, các địa phương, các xí nghiệp và thẩm tra tính chất chính xác của những báo cáo của các cơ quan nói trên.

8) Cục Thống kê trung ương thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc trực tiếp hoặc qua các cơ quan thống kê địa phương.

Điều 4.-Cục trưởng Cục Thống kê trung ương do Sắc lệnh bổ nhiệm sau khi Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua.

Cục trưởng Cục Thống kê trung ương chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về việc lãnh đạo thống kê trong toàn quốc.

Điều 5.- Cục Thống kê trung ương tạm thời gồm các phòng:

1) Phòng tổng hợp thống kê phụ trách tình hình thống kê về mọi mặt để làm các bản báo cáo chung, làm thống kê về sản phẫm xã hội, thu nhập quốc dân và bản cân đối kinh tế quốc dân , xây dựng và cải tiến các phương pháp thống kê và kế toán, xây dựng các bản mẫu thống kê theo dõi việc xây dựng tổ chức thống kê và đào tạo cán bộ.

2) Phòng thống kê nông nghiệp:Phụ trách các công tác thống kê về nông nghịêp, lâm nghiệp, chăn nuôi, tình hình thuỷ lợi, chống lụt, chống hạn, tình hình cải cách rưộng đất và tình hình phát triển các tổ chức hợp tác sản xuất ở nông thôn.

3) Phòng thống kê công nghiệp:Vận tải phụ trách các công tác thống kê về công nghiệp (kể cả xí nghiệp công và tư, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp), về điện lực, vận tải , giao thông, bưu điện, xây dựng thành phố, xây dựng cơ bản, cung cấp vật tư v.v....

4) Phòng thống kê thương nghiệp, tài chính: phụ trách các công tác thống kê về thương nghiệp ( kể cả nội thương và ngoại thương) tài chính, tiền tệ,tín dụng, tình hình hoạt động của các hợp tác xã mua bán và các hợp tác xã tiêu thụ.

5)Phòng thống kê văn hoá, giáo dục, y tế, dân số, lao động: phụ trách các công tác thống kê về đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, về việc phân phối, sử dụng nhân công, về tiền lương và năng suất lao động.

Các Trưởng phó phòng do Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước bổ nhiệm.

Điều 6.- Cục Thống kê trung ương có quyền:

1) Trực tiếp ra chỉ thị, thông tri cho các cơ quan thống kê địa phương.

2) Gửi chỉ thị, thông tri cho các tổ chức thống kê các Bộ, các cơ quan xí nghiệp qua ông Bộ trưởng các Bộ, ông Thủ trưởng các cơ quan, ông Giám đốc các xí nghiệp. Các chỉ thị thông tri đó phải đựơc chấp hành nghiêm chỉnh.

[...]