Đề án 255/ĐA-UBND năm 2022 nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 255/ĐA-UBND
Ngày ban hành 10/08/2022
Ngày có hiệu lực 10/08/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Phạm Văn Lũy
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN BÌNH CHÁNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 255/ĐA-UBND

Bình Chánh, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

A. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

1. Thực trạng

Huyện Bình Chánh nằm ở phía Tây - Nam của Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ ra vào các tỉnh miền Tây Nam bộ như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường Trần Văn Giàu... Diện tích đất tự nhiên 25.255,29ha, có 16 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 15 xã và 01 thị trấn), có vị trí địa lý:

+ Phía Bắc giáp quận Bình Tân và huyện Hóc Môn;

+ Phía Đông giáp Quận 8 và huyện Nhà Bè;

+ Phía Tây giáp huyện Hóc Môn và huyện Đức Hòa - tỉnh Long An;

+ Phía Nam giáp huyện Cần Giuộc - tỉnh Long An.

Huyện Bình Chánh hiện có khoảng 212.168 hộ với 800.498 nhân khẩu (theo số liệu thống kê đến 31 tháng 12 năm 2021), phát sinh lượng chất thải rắn sinh hoạt (viết tắt là CTRSH) khoảng 425 tấn/ngày (trong đó xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B phát sinh trên 205 tấn/ngày, gần 50%). Công tác thu gom, vận chuyển CTRSH được Ủy ban nhân dân huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng tình trạng thải bỏ CTRSH trên các tuyến đường vắng dân cư[1], khu vực đất trống vẫn còn phổ biến, làm phát sinh nhiều điểm rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Công tác thu gom CTRSH tại nguồn trên địa bàn Huyện do Hợp tác xã Dịch vụ Môi trường Thương mại và Nông nghiệp Bình Chánh[2] (Hợp tác xã) và 29 doanh nghiệp[3] thực hiện thu gom rác với tần suất thu gom từ 1-4 ngày/lần (khu dân cư đông đúc thu gom 1-2 ngày/lần[4], khu vực dân cư vắng tại Tân Nhựt, Đa Phước thu gom từ 3-4 ngày/lần[5], bình quân là 2-3 ngày/lần), nhưng người dân vẫn có phản ánh những khu vực chậm thu gom với thời gian đến 7-10 ngày/lần.

Phương tiện đang phục vụ hoạt động thu gom CTRSH tại nguồn của Hợp tác xã và 29 doanh nghiệp là 275 xe, gồm: 18 xe ép rác, 14 ô tô vận chuyển rác, 52 xe tải, 27 xe lam; 164 xe lôi, xe tự chế khác, số lượng phương tiện chưa đạt chuẩn đang hoạt động là 243 xe, do đó làm ảnh hưởng tần suất thu gom, chất lượng vệ sinh môi trường, rơi vãi rác thải và nước rỉ rác, mất an toàn giao thông trong quá trình thu gom CTRSH tại nguồn trên địa bàn Huyện.

Địa bàn Huyện có 02 trạm ép rác khép kín đạt tiêu chuẩn[6] (trạm Lê Minh Xuân đang hoạt động quá tải - 220 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế là 120 tấn/ngày) và 05 điểm tập kết CTRSH[7] chưa đạt tiêu chuẩn. Các điểm tập kết trên địa bàn Huyện phân bố chưa đồng đều, một số xã dân cư đông, lượng rác thải phát sinh nhiều nhưng chưa được bố trí điểm tập kết (Vĩnh Lộc B, Tân Kiên) hoặc điểm tập kết tạm hiện hữu với quy mô nhỏ (Vĩnh Lộc A, Bình Hưng), thường xuyên quá tải, phương tiện thu gom CTRSH của các đơn vị thu gom phải sắp hàng dài chờ đến lượt chuyển giao rác, do đó làm phát sinh nước rỉ rác, chưa đảm bảo về mùi hôi, vệ sinh môi trường gây bức xúc trong nhân dân mặc dù các điểm tập kết đều được vệ sinh, khử mùi sau ca làm việc theo quy trình của Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành.

2. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Theo quy mô phát triển về dân số của Huyện, thì ước tính đến năm 2025, huyện Bình Chánh có khoảng 920.000 nhân khẩu và đến năm 2030 có khoảng 1.070.000 nhân khẩu, do đó ước tính khối lượng CTRSH phát sinh đến năm 2025[8] từ 736 - 1.196 tấn/ngày và đến năm 2030 từ 856 - 1.391 tấn/ngày. Tuy nhiên, thực tế phát sinh trên địa bàn Huyện hiện nay bình quân 0,5kg rác thải/người/ngày, do đó, ước tính khối lượng thực tế phát sinh vào năm 2025 từ 460 - 920 tấn/ngày, đến năm 2030 từ 535 - 1.070[9] tấn/ngày. Với hiện trạng thu gom CTRSH chưa đảm bảo về tần suất, phương tiện thu gom không đạt chuẩn, khối lượng CTRSH phát sinh nhiều và dự kiến tăng cao trong thời gian tới trong khi các trạm trung chuyển chưa được đầu tư xây dựng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển CTRSH, đây là vấn đề khó khăn đặt ra trong thời gian tới phải giải quyết để đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển CTRSH, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Từ thực trạng và dự báo như trên, việc xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Bình Chánh, giai đoạn 2022 - 2025" là rất cần thiết và cấp bách, đòi hỏi các cơ quan liên quan của Huyện, Ủy ban nhân dân 16 xã, thị trấn cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện đúng mục tiêu, nội dung và các giải pháp đề ra của Đề án nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng huyện Bình Chánh sạch - xanh và thân thiện môi trường, hướng tới mục tiêu đưa huyện Bình Chánh lên Thành phố. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” và Chỉ thị số 06-CT/HU ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2021 - 2025.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019.

- Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020.

- Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008.

- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

- Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 ngày 11 tháng 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 ngày 11 tháng 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

- Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11 tháng 6 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố.

- Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

- Quyết định số 1545/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phân cấp cho Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện quản lý và thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện.

[...]