Đề án 23/ĐA-UBND năm 2016 về đặt tên tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 23/ĐA-UBND
Ngày ban hành 18/11/2016
Ngày có hiệu lực 18/11/2016
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/ĐA-UBND

Ninh Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2016

 

ĐỀ ÁN

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THỊ TRẤN THIÊN TÔN, HUYỆN HOA LƯ, TỈNH NINH BÌNH

Phần thứ nhất

NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

2. Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;

3. Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

4. Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông - Vận tải về việc Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

5. Thông tư số 36/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số Điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP;

6. Quyết định 1266/2014/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

7. Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 21/1/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

II. Hiện trạng về đường phố trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn

Thiên Tôn là thị trấn của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tên của thị trấn được đặt theo tên của thần Thiên Tôn, là một vị thần theo truyền thuyết có nguồn gốc xuất xứ ở vùng đất kinh đô Hoa Lư, trấn trạch phía Đông Hoa Lư tứ trấn, hiện thần vẫn được thờ ở động Thiên Tôn và đền Hàng Tổng ở thị trấn.

Thị trấn Thiên Tôn được thành lập ngày 07/01/2004 theo quyết định số 126/QĐ-CP, ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích 215.98 ha, hiện có 1047 hộ, 3507 nhân khẩu, được chia thành 06 tổ dân phố trực thuộc quản lý, và có 61 cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp đóng trên địa bàn.

Thị trấn Thiên Tôn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Hoa Lư, phía Đông giáp Xã Ninh Khang, phía Tây giáp xã Ninh Hòa, phía Nam giáp xã Ninh Mỹ, phía Bắc giáp xã Ninh Giang. Thị trấn Thiên Tôn nằm trên Quốc lộ 1A, cách thủ đô Hà Nội 85km, thị trấn có vai trò là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Ninh Bình đồng thời cũng là nơi có ngã ba Cầu Huyện để theo Quốc lộ 38B rẽ vào Cố Đô Hoa Lư và các xã của huyện Hoa Lư. Thị trấn có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển lên một thị trấn giàu mạnh về kinh tế, đa dạng về văn hóa, đảm bảo về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thị trấn Thiên Tôn qua 12 năm hình thành và phát triển đến nay có 1225 hộ, 4166 nhân khẩu, đã từng bước ổn định về kinh tế, an ninh chính trị xã hội, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được đảm bảo và nâng cao các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm sau cao hơn năm trước. Năm 2004 mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thị trấn đạt 6,5 triệu đồng/năm. Đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng/năm. Cán bộ và nhân dân thị trấn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền nhà nước; công tác tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương.

Với kết quả đã đạt được, trong thời gian qua và đứng trước sự phát triển chung của toàn xã hội trong thời gian tới Thị trấn Thiên Tôn tất yếu phải chuyển mình hoàn thiện từng mục tiêu phát triển để trở thành một thị trấn hoàn chỉnh và đảm bảo, có đủ các điều kiện đáp ứng với đô thị hiện nay.

1. Về hạ tầng giao thông

Toàn thị trấn Thiên Tôn có 47,36 km đường giao thông, (bê tông hoặc trải nhựa). Khu vực trung tâm thị trấn Thiên Tôn có 13 tuyến đường trục chính dài 17,36km. Mạng lưới giao thông nội thị được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường mới được cải tạo nâng cấp xây dựng trong trung tâm thị trấn nhằm chỉnh trang đô thị đón nhận huyện nông thôn mới. Mạng lưới giao thông đối ngoại của huyện đang được đầu tư cải tạo gồm tuyến đường Quốc lộ số 1A, Quốc lộ 38B. Trên địa bàn thị trấn có 03 loại cấp đường, đó là: Đường do Trung ương quản lý (gồm đường Quốc lộ số 1A và Quốc lộ số 38B); đường do huyện quản lý (11 tuyến đường) và đường do thị trấn quản lý.

2. Thực trạng về tên đường phố trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn

Hiện tại, trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, tên các tuyến đường phần lớn trước đây đều do chính quyền địa phương và nhân dân tự đặt tên gọi, vì thế nhiều tuyến đường được đặt tên theo cảm tính, không mang nhiều ý nghĩa và thiếu tính khoa học. Bên cạnh đó, do quá trình đô thị hóa và chỉnh trang, mở rộng đô thị đã điều chỉnh và hình thành một số khu dân cư, khu đô thị mới, với nhiều tuyến đường bộ được quy hoạch mới chưa có tên.

Tổng số tuyến đường đề nghị được đặt tên gồm 10 tuyến đường.

III. Lý do, sự cần thiết đặt tên các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư

1. Việc đặt tên các tuyến đường của thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư là việc làm hết sức cần thiết, khách quan, nhằm chỉnh trang đô thị để đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và kỷ niệm 110 năm thành lập huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư); phù hợp với quy hoạch chung thành phố Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; góp phần quan trọng trong công tác thực hiện chủ trương mang tính chiến lược và toàn diện của Tỉnh ủy Ninh Bình về xác định việc quản lý, xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình trở thành thành phố du lịch, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh; phù hợp nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hoa Lư nói riêng và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Việc đặt tên các tuyến đường trên địa bàn làm cơ sở cho việc đặt tên các ngõ, ngách, gắn biển số nhà trên địa bàn thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo để các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở. Đồng thời, đây còn là một việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn nhằm tôn vinh những người anh hùng dân tộc, những danh nhân văn hóa, các nhà chính trị - quân sự lỗi lạc..., tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân Ninh Bình nói riêng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Để đảm bảo tên gọi của các tuyến đường phù hợp theo quy định của pháp luật, mang tính nhân văn sâu sắc và xứng đáng với tầm vóc của một huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, việc đặt tên cho các tuyến đường là vấn đề hết sức cần thiết, khách quan.

IV. Những nguyên tắc đặt tên cho các tuyến đường và quy trình triển khai thực hiện

[...]