Đề án 21/ĐA-UBND năm 2016 sắp xếp, chia tách, thành lập thôn mới thuộc xã Gia Trung và Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 21/ĐA-UBND
Ngày ban hành 17/11/2016
Ngày có hiệu lực 17/11/2016
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/ĐA-UBND

Ninh Bình, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP, CHIA TÁCH, THÀNH LẬP MỘT SỐ THÔN MỚI THUỘC XÃ GIA TRUNG VÀ THUỘC XÃ GIA LẬP, HUYỆN GIA VIỄN, TỈNH NINH BÌNH

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

2. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 06/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

3. Nghị quyết Liên tịch số 09/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều 11, 14, 16, 22, 26 của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

4. Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;

5. Tình hình thực tế tại xã Gia Trung, xã Gia Lập và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

II. Lý do, sự cần thiết phải sắp xếp, chia tách, thành lập một số thôn mới thuộc xã Gia Trung và thuộc xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

1. Việc sắp xếp, chia tách, thành lập một số thôn mới thuộc xã Gia Trung

Xã Gia Trung là xã thuần nông, nằm ở phía Đông nam của huyện Gia Viễn, thuộc vùng đồng bằng chiêm trũng, sát với đê tả ngạn của sông Hoàng Long; Địa giới hành chính tiếp giáp: phía Bắc giáp xã Gia Vượng và xã Gia Phương; phía Đông giáp xã Gia Phương, xã Gia Thắng và xã Gia Tiến; phía Nam giáp xã Gia Sinh; phía Tây giáp xã Gia Lạc và xã Gia Thịnh.

Là xã có đông đồng bào theo đạo Công giáo (chiếm tỷ lệ hơn 30% so với tổng dân số toàn xã); tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã là 867,44 ha với 2.773 hộ, dân số là 9.289 nhân khẩu, được phân bố ở 08 thôn (gồm: thôn Hoàng Long, thôn Đức Hậu, thôn An Thái, thôn Chấn Hưng, thôn Đông Khê, thôn Trung Đồng, thôn Điềm Khê, thôn Chi Phong).

Hiện trạng các thôn như sau:

Số TT

Tên đơn vị

Diện tích (ha)

Tổng số hộ

Tổng số nhân khẩu (người)

Ghi chú

1

Thôn Hoàng Long

115,95

212

689

 

2

Thôn Đức Hậu

84,72

193

621

 

3

Thôn An Thái

106,88

366

1.247

 

4

Thôn Chấn Hưng

115,0

348

1.170

 

5

Thôn Đông Khê

92,54

265

848

 

6

Thôn Trung Đồng

112,50

233

793

 

7

Thôn Điềm Khê

65,0

648

2.360

 

8

Thôn Chi Phong

174,85

508

1.561

 

 

Cộng:

867,44

2.773

9.289

 

Trong 08 thôn trên, có thôn Điềm Khê và thôn Chi Phong, do địa bàn rộng, dân cư đông nên các hoạt động của 02 thôn này có nhiều hạn chế; việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và nghĩa vụ công dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thôn Điềm Khê với 100% đồng bào theo đạo Công giáo; việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều bất cập, dẫn đến gây khó khăn trong việc hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở và hoạt động của đội ngũ cán bộ, các tổ chức thôn. Bên cạnh đó, đối với thôn Chi Phong hiện tại có 02 chi bộ đảng, vì vậy việc thực hiện đồng thời Nghị quyết của 02 chi bộ trên cùng địa bàn một thôn có những khó khăn nhất định.

a) Đối với thôn Điềm Khê

Thôn Điềm Khê nằm ở phía Đông nam của xã Gia Trung, cách trung tâm xã khoảng 1,7 km; Ranh giới tiếp giáp: phía Bắc giáp thôn Trung Đồng; phía Đông giáp sông Hoàng Long cụt; phía Nam giáp đê tả sông Hoàng Long; phía Tây giáp thôn Trung Đồng và thôn Đông Khê.

Là khu dân cư có 100% người dân theo đạo Công giáo, nghề nghiệp chính của nhân dân là làm ruộng, đánh bắt thủy sản và vận tải thủy nội địa, trình độ văn hóa của đại đa số bộ phận nhân dân thấp, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nhất là trong ý thức chấp hành pháp luật; các biểu hiện của tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng... gây khó khăn cho công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư.

Xuất phát từ khu dân cư tôn giáo nên ngay từ khi được thành lập, các hộ gia đình trong thôn đều sống tập trung gần nhà thờ giáo xứ Trung Đồng để thuận tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo. Những năm gần đây, do tỷ lệ gia tăng dân số nhanh, đất đai ít, người đông và cơ chế thị trường phát triển, một bộ phận cư dân đến tuổi xây dựng gia đình đã lập gia đình riêng, tách hộ và xây dựng khu dân cư mới ở phía Nam của thôn Điềm Khê, giáp đê tả ngạn sông Hoàng Long để phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình theo hướng vận tải thủy nội địa và nuôi trồng thủy sản.

Trên thực tế, thôn Điềm Khê đã tách biệt thành 2 khu dân cư riêng biệt, đó là khu dân cư phía Bắc thôn Điềm Khê và khu dân cư phía Nam thôn Điềm Khê:

- Khu dân cư phía Bắc thôn Điềm Khê, phần lớn là cư dân thường xuyên tham gia sinh hoạt tôn giáo hàng ngày tại nhà thờ xứ Trung Đồng, nghề nghiệp chính của nhân dân tại khu dân cư này là đánh bắt thủy sản trên sông Hoàng Long và sản xuất nông nghiệp tại khu Núi Một.

- Khu dân cư phía Nam thôn Điềm Khê giáp đê tả ngạn sông Hoàng Long, phần lớn là cư dân có tuổi đời trẻ hơn, chỉ tham gia sinh hoạt tôn giáo vào các ngày lễ trọng trong năm như Noel, lễ ra mùa, lễ vào mùa…, phần lớn cư dân đi làm ăn xa, nghề nghiệp chính của khu dân cư này là vận tải thủy nội địa, một bộ phận khác thì xây dựng các trang trại nuôi trồng thủy sản, mở các dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ, phục vụ nhân dân nhằm tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hai khu dân cư này chỉ có điểm chung là sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Trung Đồng nhưng ở mức độ khác nhau, còn nghề nghiệp đã có sự thay đổi lớn; do đó việc quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ thôn gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư đông nên việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa được kịp thời sâu sát, công việc triển khai còn chậm, có việc kéo dài, hiệu quả công việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

b) Đối với thôn Chi Phong

Thôn Chi Phong nằm ở phía Đông xã Gia Trung, cách trung tâm xã khoảng 0,5 km; Ranh giới tiếp giáp: phía Bắc giáp thôn An Thái, thôn Đức Hậu và thôn Hoàng Long; phía Đông giáp sông Hoàng Long cụt; phía Nam giáp thôn Trung Đồng, thôn Đông Khê; phía Tây giáp thôn Đông Khê và thôn Chấn Hưng.

Diện tích đất tự nhiên của thôn Chi Phong hiện là khu dân cư rộng nhất xã Gia Trung, dân cư đông, sinh sống không tập trung. Về địa hình, trên địa bàn thôn có kênh tiêu nước và đường trục chạy giữa thôn, chia riêng biệt thành 2 phần khu dân cư phía Đông và phía Tây thôn Chi Phong. Trước đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương tăng cường thêm lực lượng công an viên của thôn để đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự. Do địa bàn của thôn rộng, dân cư đông nên việc quản lý, điều hành của chính quyền, của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với các hoạt động của thôn không được thuận lợi, hiệu quả hoạt động chưa cao; việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn; Mặt khác, trên địa bàn thôn Chi Phong có 02 chi bộ đảng với 70 đảng viên, vì vậy việc thực hiện đồng thời Nghị quyết của 02 chi bộ trên cùng địa bàn một thôn có những khó khăn nhất định.

2. Việc sắp xếp, chia tách, thành lập một số thôn mới thuộc xã Gia Lập

Xã Gia Lập là xã vùng đồng chiêm trũng nằm ở phía Đông của huyện Gia Viễn, trên trục đường Tỉnh lộ 12B nối Quốc lộ 1A đến rừng Quốc gia Cúc Phương, qua huyện Nho Quan đi tỉnh Hòa Bình và các tỉnh vùng Tây Bắc. Địa giới hành chính tiếp giáp: phía Bắc giáp xã Gia Thanh; phía Đông giáp xã Gia Tân; phía Nam giáp xã Gia Thắng và xã Gia Phương; phía Tây giáp xã Gia Vân;

[...]