Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Đề án 05/ĐA-MTTW-BTT năm 2016 tổ chức tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành sách vàng "Sáng tạo Việt Nam" do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Số hiệu 05/ĐA-MTTW-BTT
Ngày ban hành 27/05/2016
Ngày có hiệu lực 27/05/2016
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/ĐA-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2016

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC TUYỂN CHỌN, BIÊN TẬP, CÔNG BỐ VÀ PHÁT HÀNH SÁCH VÀNG “SÁNG TẠO VIỆT NAM”

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng, quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội vươn lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh trong việc sáng tạo và phát huy nguồn vốn tri thức, khoa học và công nghệ, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học và phát triển công nghệ giữa các quốc gia.

Nhận thức rõ sự sáng tạo và phát huy năng lực sáng tạo của người Việt Nam là nguồn lực mạnh mẽ nhất để phát triển đất nước, từ những ngày đầu thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn coi trọng hoạt động sáng tạo, được thể hiện rõ từ bản Hiến pháp đầu tiên Hiến pháp năm 1946 (Điều 21): “Nhà nước khuyến khích tính sáng tạo và tinh thần tích cực trong lao động của những người lao động chân tay và lao động trí óc”. Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động sáng tạo trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2001 và 2013.

Thời gian qua, các phong trào thi đua lao động sáng tạo do các tổ chức chính trị - xã hội phát động trong các giới như công nhân viên chức (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nạm), nông dân (Hội Nông dân Việt Nam), phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), thanh niên (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), cựu chiến binh (Hội Cựu chiến binh Việt Nam), trí thức (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam)... đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) với vai trò là “tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu” chưa tổ chức phát động phong trào thi đua sáng tạo trên phạm vi toàn quốc, góp phần tạo nên vòng tương tác phát triển và sáng tạo ngày càng mạnh mẽ qua liên kết giữa kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế với ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đời sống.

Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang xây dựng Đề án tổ chức phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” giai đoạn 2016 - 2020 nhằm phát triển, hiện đại hóa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nâng cao năng suất lao động các ngành kinh tế và cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc, hình thành các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của các ngành kinh tế và các địa phương; đồng thời cổ vũ hoạt động sáng tạo của người Việt Nam trên mọi miền đất nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài. Một giải pháp quan trọng để triển khai phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” là tuyển chọn, biên tập và công bố hàng năm Sách vàng “Sáng tạo Việt Nam”.

I. MỤC ĐÍCH

1- Tôn vinh các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học - công nghệ và kỹ thuật (khi có điều kiện sẽ mở rộng ra lĩnh vực khoa học khác) đóng góp quan trọng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; khẳng định năng lực sáng tạo của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công bố rộng rãi để mọi người dân, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp biết và thi đua hưởng ứng mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đưa ra sáng kiến, tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở mọi lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi.

2- Giới thiệu các chính sách của Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích hoạt động sáng tạo để các tổ chức, cá nhân vận dụng thực hiện có hiệu quả nhất cho bản thân và đất nước.

3- Các công trình, gương điển hình sáng tạo là nguồn tư liệu phục vụ công tác thông tin, truyền thông, giới thiệu chi tiết, đầy đủ, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hoạt động truyền thông của cả hệ thống chính trị nhằm cổ vũ, khơi dậy tinh thần, trí tuệ của người Việt Nam thi đua sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần hình thành văn hóa sáng tạo của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

II. TÊN GỌI, NỘI DUNG CHỦ YẾU CUỐN SÁCH

1- Tên gọi cuốn sách: SÁCH VÀNG SÁNG TẠO VIỆT NAM NĂM... (năm xuất bản).

Ví dụ năm 2016 tên cuốn sách là: SÁCH VÀNG SÁNG TẠO VIỆT NAM NĂM 2016.

2- Nội dung chủ yếu của Sách vàng Sáng tạo Việt Nam, gồm:

2.1- Các công trình sáng tạo khoa học và công nghệ đã đạt giải thưởng trong các cuộc thi, tuyển chọn; trong đó nêu tóm tắt công trình sáng tạo, sản phẩm khoa học và hiệu quả ứng dụng thực tiễn của công trình; địa chỉ liên hệ; đề xuất, kiến nghị hỗ trợ, hợp tác nghiên cứu và mở rộng lĩnh vực ứng dụng của tác giả.

Số công trình sáng tạo khoa học và công nghệ tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu hàng năm bằng với số năm kỷ niệm ngày thành lập Nước.

2.2- Hiệu quả ứng dụng một số công trình sáng tạo đã được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam các năm trước (bắt đầu thực hiện từ năm 2017).

2.3- Danh sách các cá nhân (tập thể) đoạt các giải thưởng quốc tế.

2.4- Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích hoạt động sáng tạo đã ban hành trong những năm gần đây (tóm tắt và có đường dẫn (link) trên mạng Internet để các cơ quan, tổ chức và người dân có thể tải về nghiên cứu, thực hiện).

2.5- Lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ để hỗ trợ khen thưởng các công trình sáng tạo khoa học và công nghệ tiêu biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Danh sách các tổ chức, cá nhân đã tài trợ để hỗ trợ khen thưởng các công trình sáng tạo khoa học và công nghệ sẽ được đăng tải trên website của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan.

3- Dự kiến Đề cương Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 gồm các nội dung chủ yếu sau:

3.1- Phần I:

- Lời tựa;

- Bài viết về mục đích, ý nghĩa cuốn sách của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Trích dẫn một số bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước về khoa học và công nghệ.

- Lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ để hỗ trợ khen thưởng các công trình sáng tạo khoa học và công nghệ tiêu biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3.2- Phần II: Giới thiệu 71 công trình sáng tạo khoa học và công nghệ được tuyển chọn từ các giải thưởng trong các cuộc thi, chương trình bình chọn do các bộ, ngành, địa phương, một số tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trong 2 năm 2014, 2015 gồm: Tên công trình và tác giả (nhóm tác giả); tóm tắt nội dung công trình sáng tạo khoa học và công nghệ; mức giải thưởng đã đạt được; kết quả đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn...

[...]