Thứ 7, Ngày 16/11/2024

Công văn số 984/UBND-PCNC về việc công tác phòng cháy chữa cháy mùa khô 2007 - 2008 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 984/UBND-PCNC
Ngày ban hành 13/02/2008
Ngày có hiệu lực 13/02/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Hữu Tín
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 984/UBND-PCNC
Về công tác phòng cháy chữa cháy mùa khô 2007 - 2008

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 02 năm 2008

 

Kính gửi:

- Giám đốc các sở - ngành thành phố;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện;
- Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

 

Trong năm 2007, khi Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy được thành lập cuối năm 2006, công tác này đã được tăng cường thực hiện trên các mặt công tác ngay từ đầu năm 2007: tổ chức nhiều đợt kiểm tra theo các chuyên đề (nhà cao tầng, trạm biến áp, cơ sở đình chùa…); xử lý nghiêm các vi phạm hành chính; từ sau Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy của thành phố ngày 05 tháng 7 năm 2007, các sở - ngành, quận - huyện hầu hết đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy, đã tổ chức hội thao theo ngành và theo cấp mình nhân “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy 4/10”; các quận - huyện đã chỉ đạo thực hiện chuyển hóa được 171/295 khu dân cư có nguy cơ cháy cao, đạt tỷ lệ 57,9% (một số địa phương không còn khu dân cư có nguy cơ cháy cao như: quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh); một số quận - huyện đã đầu tư hàng tỷ đồng để trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và xây dựng các giếng khoan cung cấp nước chữa cháy (quận 5 trang bị được 15 xe chữa cháy mini cho 15 phường); quận 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận trang bị xe môtô chữa cháy cho các phường (mỗi quận có từ 15 - 20 xe môtô chữa cháy); quận 3 phát động phong trào mỗi hộ Đảng viên tự trang bị 01 bình chữa cháy và cứ 03 hộ dân liền kề trang bị 01 bình chữa cháy…

Với sự nỗ lực từ thành phố đến các sở - ngành, quận - huyện, cơ sở, nên tình hình cháy năm 2007 có giảm: xảy ra 237 vụ cháy, giảm 82 vụ so với năm 2006; thiệt hại tài sản tính thành tiền 74 tỷ 544 triệu đồng, giảm 15,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình cháy vẫn còn diễn biến phức tạp, chỉ trong 20 ngày đầu mùa khô (01/12 đến 20/12/2007) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16 vụ cháy, làm bị thương 03 người, thiệt hại về tài sản 7,881 tỷ đồng; theo dự báo của cơ quan chức năng, mùa khô 2007 - 2008 nhiều vùng sẽ bị khô hạn gay gắt, kéo dài, nguy cơ cháy còn rất cao.

Để chủ động phòng cháy chữa cháy mùa khô năm 2007 - 2008, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện; thủ trưởng các sở - ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao thành phố khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy sau đây:

1. Căn cứ tình hình thực tế, từng cơ quan, đơn vị, cơ sở đề ra kế hoạch thật cụ thể để tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý, trong đó chú trọng kiểm tra bổ sung phương án chữa cháy - cứu hộ - cứu nạn, nơi nào chưa có phải tiến hành xây dựng ngay phương án này và tự tổ chức thực tập theo các tình huống đã được phê duyệt; đồng thời xây dựng củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, dân phòng,… đầu tư trang bị các dụng cụ, phương tiện phù hợp với tính chất, đặc điểm từng cơ sở; tăng cường chế độ tuần tra, canh gác ban đêm, ngoài giờ làm việc và các ngày lễ tết, để xử lý kịp thời mọi tình huống cháy, nổ xảy ra ngay từ giai đoạn đầu. Tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng cháy và chữa cháy: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”.

2. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng cháy chữa cháy: Luật phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003, Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2005, Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ; Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an; nhằm phổ biến nâng cao kiến thức về phòng cháy chữa cháy cho các tầng lớp nhân dân; đưa công tác tuyên truyền đi vào thường xuyên, liên tục, kết hợp chặt chẽ các phong trào khác với phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy và chữa cháy ngay tại cơ sở.

3. Thành lập các đoàn kiểm tra hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, tổ dân phố, hộ gia đình tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy. Qua kiểm tra, đề ra các giải pháp sát thực tế, lộ trình chuyển hóa cụ thể để đến cuối quý II/2008 xóa hết các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, tại các quận: quận 1 (08 khu), quận 3, quận 4, quận 7, quận Tân Bình (mỗi nơi 06 khu), quận 6 (28 khu), quận 8 (19 khu), quận 10 (07 khu), quận Bình Thạnh (16 khu). Tiếp tục kiến nghị di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không an toàn về phòng cháy chữa cháy, có nguy cơ cháy cao đến các khu công nghiệp tập trung. Có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng các cửa hàng xăng dầu không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy đã được các cơ quan chức năng đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động.

4. Sở Thương mại thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức nhiều loại hình tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy; thường xuyên kiểm tra các nơi chứa, dự trữ, kinh doanh hàng hóa Tết; kiểm tra việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện… không để chạm chập điện gây cháy. Nghiêm cấm cơi nới thêm quầy, sạp; sắp xếp hàng hóa, để xe của khách hàng lấn chiếm đường đi, lối thoát nạn,… để thuận lợi cho việc cứu tài sản và hướng dẫn thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

5. Công ty Điện lực thành phố có kế hoạch cụ thể để duy tu, cải tạo nâng cấp mạng lưới điện công cộng và có các biện pháp tuyên truyền hướng dẫn cụ thể đến từng hộ dân về an toàn trong sử dụng điện. Tổ chức kiểm tra các trạm biến áp, cáp dẫn, dây dẫn điện trên địa bàn thành phố, có biện pháp phòng ngừa, tránh chạm chập điện gây cháy, nổ. Có phương án giải quyết hiệu quả các sự cố cháy, nổ về điện; tổ chức tốt công tác thường trực tại các trung tâm điều độ để nhanh chóng cúp điện các khu vực có sự cố cháy, nổ, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy thi hành tốt nhiệm vụ tại hiện trường.

6. Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đảm bảo áp lực nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn khi có cháy nổ xảy ra. Tiến hành bàn giao chính thức việc lắp đặt và quản lý các trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố từ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn sang Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố theo Quyết định số 182/2006/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc “ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

7. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Khu công nghệ cao… phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy từng cơ sở, doanh nghiệp và mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở. Mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải tổ chức việc thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách, có trang bị đầy đủ phương tiện và bố trí địa điểm đúng quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

8. Ban Chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, các quận - huyện có rừng căn cứ vào Chỉ thị số 02/2007/CT-UBND ngày 11 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân và Công an các phường - xã nơi có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng ứng với các cấp dự báo cháy rừng. Kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với tình hình, đặc điểm từng loại rừng. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.

9. Các cơ quan báo - đài của thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin thành phố, phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, hình thức tuyên truyền, thời lượng phát sóng; tổ chức tuyên truyền kiến thức phòng cháy chữa cháy, Luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; kết hợp biểu dương những điển hình tiên tiến và phê phán những cá nhân, tổ chức chưa làm tốt, vi phạm quy định an toàn về công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố.

10. Kết thúc mùa khô 2007 - 2008, các sở - ngành, quận - huyện và các Tổng Công ty báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và gửi về Ủy ban nhân dân thành phố qua Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy để tổng hợp báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

11. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố nắm chắc tình hình và thống nhất quản lý các lực lượng, phương tiện phòng cháy chữa cháy hiện có trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy chữa cháy; tăng cường công tác thường trực chiến đấu, sẵn sàng chữa cháy - cứu hộ - cứu nạn kịp thời và hiệu quả khi có cháy, nổ xảy ra.

Giao Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các sở - ngành, quận - huyện, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định./.

 


Nơi nhận
:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Thường trực Thành ủy;;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể thành phố;
- Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố;
- Các Sở, ban, ngành thành phố;
- UBND các quận - huyện;
- Tòa án nhân dân thành phố;
- Viện Kiểm sát nhân dân TP;
- VPHĐ-UB: CPVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (NC-P) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín